Chuyên mục  


"Republic First Bank hôm nay bị Cơ quan Tài chính - Chứng khoán bang Pennsylvania đóng cửa. Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) được chỉ định quản lý tài sản. Để bảo vệ người gửi tiền, FDCI đã thỏa thuận bán Republic First Bank cho Fulton Bank, qua đó tiếp quản toàn bộ tiền gửi và tài sản của ngân hàng này", FDIC cho biết trong thông báo hôm 26/4.

32 chi nhánh của ngân hàng này ở New Jersey, Pennsylvania và New York sẽ mở cửa lại từ ngày 27/4 với vai trò chi nhánh của Fulton Bank. Những người gửi tiền ở Republic Bank sẽ trở thành người gửi ở Fulton Bank. FDIC bảo hiểm cho các khoản tiền gửi lên đến 250.000 USD.

Bên ngoài một chi nhánh của Republic Bank. Ảnh: AP

Tính đến cuối tháng 1, Republic First Bank có 6 tỷ USD tài sản và 4 tỷ USD tiền gửi. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên tại Mỹ năm nay.

Dù vậy, quy mô sự việc lần này nhỏ hơn khá nhiều so với các vụ sụp đổ gây chao đảo thị trường tài chính năm ngoái. Silicon Valley Bank (SVB) sở hữu 209 tỷ USD tài sản tính đến cuối năm 2022. Nhà băng này bị đóng cửa tháng 3/2023, trở thành vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ.

FDIC cho biết Republic Bank là ngân hàng đầu tiên tại Mỹ sụp đổ kể từ sau vụ việc của Citizens Bank (Iowa) tháng 11/2023. Ngân hàng này tách ra từ First Republic Bank - nhà băng ở San Francisco đã bị đóng cửa tháng 5/2023. Khi đó, phần lớn tài sản của First Republic Bank được bán cho JPMorgan Chase.

Từ năm ngoái, Republic Bank đã chịu sức ép vì chi phí cao và biên lợi nhuận giảm. Họ đã phải cắt giảm việc làm và bỏ mảng cho vay mua nhà. Ngân hàng này cũng từng đạt thỏa thuận với một nhóm nhà đầu tư, nhưng lại đổ bể hồi tháng 2.

Sự việc tại Republic Bank cho thấy các ngân hàng địa phương nước này vẫn đang trong thời kỳ bất ổn do lãi suất cao. Năm ngoái, vụ sụp đổ của SVB đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Mỹ. FDIC cho biết tổng cộng 5 nhà băng đã bị đóng cửa năm 2023.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020