Chuyên mục  


Tại biệt thự trên vách đá ở đảo Lidingo, doanh nhân Konrad Bergstrom khoe hầm rượu 3.000 chai mà ông rất yêu thích. Bên ngoài, biệt thự của ông có bể bơi, phòng gym với nội thất bọc da tuần lộc và một hộp đêm mini.

Đây là một trong những khu dân cư giàu có nhất Thụy Điển, cách trung tâm thủ đô Stockholm chưa đầy 30 phút lái xe, với nhiều biệt thự lớn, từ villa gỗ cho đến những căn tối giản nhiều kính.

"Tôi có rất nhiều bạn bè trong giới âm nhạc, nên thường bật nhạc nghe thường xuyên", Bergstrom, đồng sáng lập một doanh nghiệp tai nghe và loa, nói. Căn biệt thự ở Lidingo là một trong 4 bất động sản mà ông sở hữu ở Thụy Điển và Tây Ban Nha.

Dù cuộc sống của Bergstrom có thể không quá hào nhoáng đối với một doanh nhân thành đạt, điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là số lượng người thuộc giới siêu giàu như ông đang tăng lên nhanh chóng tại Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng với chính sách đánh thuế cao để xây dựng hệ thống phúc lợi mạnh mẽ, đảm bảo công bằng xã hội cho người dân.

Trong ba thập kỷ qua, số lượng người siêu giàu ở nước này đã bùng nổ. Năm 1996, Thụy Điển chỉ có 28 người có tài sản ròng trên 91 triệu USD, hầu hết xuất thân từ các gia tộc giàu có. Năm 2021, con số này tăng lên 542, sở hữu khối tài sản tương đương 70% GPD quốc gia.

Doanh nhân Konrad Bergstrom. Ảnh: BBC

Hiện quốc gia có 10 triệu dân này là một trong những nước có tỷ lệ tỷ phú cao nhất thế giới. Nước này có 43 tỷ phú, tương đương 4 tỷ phú trên một triệu người, gấp đôi so với tỷ lệ ở Mỹ.

Lĩnh vực công nghệ phát triển rất mạnh là một trong những lý do khiến số lượng tỷ phú ở Thụy Điển bùng nổ. Quốc gia này được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của châu Âu", sản sinh khoảng 40 start up kỳ lân trị giá hơn một tỷ USD trong 20 năm qua.

Skype, Spotify đều sinh ra tại Thụy Điển. Những câu chuyện làm start up ở nước này cũng nổi tiếng những năm gần đây.

Tại khối văn phòng công nghệ cao Epicenter, doanh nhân kỳ cựu Ola Ahlvarsson cho hay điều này xuất phát từ chính sách giảm thuế cho máy tính gia đình ở Thụy Điển từ những năm 1990. Điều này đã giúp "kết nối người dân nhanh hơn nhiều so với các nước khác".

Là nhà khởi nghiệp lâu năm, ông Ahlvarsson cũng chỉ ra vai trò của văn hóa cộng tác, hợp tác trong môi trường start up ở Thụy Điển góp phần tạo dựng nên thành công này. Các doanh nhân thành đạt ở Thụy Điển thường trở thành hình mẫu cho các thế hệ start up kế cận, cũng như đầu tư vào họ.

Diện tích lớn cũng khiến Thụy Điển trở thành thị trường thử nghiệm hiệu quả. "Doanh nghiệp có thể thử nghiệm mọi chiến lược ở nước này với chi phí rẻ, ít rủi ro", Ahlvarsoon, đồng sáng lập Epicenter, nói.

Andreas Cervenka, nhà báo tại Aftonbldet, một trong những tờ báo lớn nhất Thụy Điển, lại nhấn mạnh vào hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Thụy Điển duy trì lãi suất rất thấp từ đầu những năm 2010 cho đến vài năm trước. Lãi suất vay thấp khiến người Thụy Điển dư tiền mặt chọn đầu tư bất động sản hoặc đầu tư mạo hiểm vào các start up công nghệ. Kết quả là nhiều start up sau này tăng giá trị.

"Giá trị tài sản tăng cao trong nhiều năm qua là một trong những yếu tố chính khiến số lượng tỷ phú bùng nổ ở Thụy Điển", nhà báo Cervenka nhận định.

Dãy biệt thự trên đảo Lidingo, Thụy Điển. Ảnh: BBC

Dù nhóm thu nhập cao nhất ở Thụy Điển bị đánh thuế tới hơn 50% thu nhập cá nhân, một trong những tỷ lệ cao nhất châu Âu, chính phủ nước này gần đây đã điều chỉnh một số sắc thuế có lợi cho người giàu.

Năm 2000, chính phủ bãi bỏ thuế tài sản, thuế thừa kế, điều chỉnh thuế áp lên đầu tư chứng khoán và các khoản thu từ hoạt động đầu tư của cổ đông thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập từ lương. Thuế doanh nghiệp cũng giảm từ 30% trong những năm 1990 xuống khoảng 20%, thấp hơn một chút so với mức trung bình của châu Âu.

"Loạt chính sách này khiến các tỷ phú đổ không muốn rời khỏi Thụy Điển. Trên thực tế, một số tỷ phú còn chuyển tới đây", nhà báo Cervenka nói.

Theo nghiên cứu gần đây của Đại học Orebro, hình ảnh truyền thông của các tỷ phú Thụy Điển chủ yếu tích cực.

"Chừng nào những người siêu giàu nước này còn được xem là hiện thân của lý tưởng tân tự do, tình trạng bất bình đẳng đằng sau điều này sẽ không bị soi xét", Axel Vikstrom, chuyên gia Đại học Orebo, nhận định.

Nhà báo Cervenka chỉ ra tranh luận về đánh thuế giới siêu giàu ở Thụy Điển không gay gắt như ở nhiều nước phương Tây khác.

"Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế theo chính sách công bằng xã hội. Nhưng trên thực tế, người Thụy Điển ngày càng có tâm lý 'người thắng có tất'", ông Cervenka nhận xét.

Đức Trung (Theo BBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020