Chuyên mục  


Mục tiêu của Mỹ khi chuyển giao tên lửa đạn đạo ATACMS tầm xa cho Ukraine là giúp nước này có thể tăng cường sức ép lên bán đảo Crimea, trung tâm tác chiến của không quân và lục quân Nga, đồng thời được lực lượng Nga coi là "nơi trú ẩn tương đối an toàn", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với báo giới tại Lầu Năm Góc ngày 25/4.

Một số quan chức Mỹ khác cũng cho biết mẫu tên lửa này có thể giúp Kiev tấn công sâu hơn vào những khu vực mà Nga kiểm soát tại Ukraine, cũng như tập kích các tuyến hậu cần của Moskva ở khu vực đông nam.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó xác nhận Mỹ đã chuyển giao tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km cho Ukraine hồi tháng 3, trong khuôn khổ gói viện trợ trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn cùng tháng.

Sullivan không nêu rõ số lượng, song truyền thông Mỹ cho biết Washington đã chuyển giao cho Ukraine hơn 100 quả đạn ATACMS tầm xa.

Lữ đoàn Pháo binh Dã chiến số 17 Mỹ khai hỏa tên lửa ATACMS từ pháo HIMARS tháng 7/2023. Ảnh: Lục quân Mỹ

Quân đội Ukraine ngày 23/4 đã sử dụng tên lửa ATACMS để tập kích lực lượng Nga tại thành phố cảng Berdyansk ở tỉnh miền nam Zaporizhia, theo một quan chức Mỹ giấu tên. Hai quan chức khác cho biết Kiev cũng đã phóng loại đạn này vào sân bay quân sự Dzhankoy ở bán đảo Crimea hôm 17/4.

Theo các tài khoản mạng xã hội ở Ukraine, vụ tập kích gây ra nhiều vụ nổ và hỏa hoạn tại sân bay. Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) tuyên bố đòn đánh khiến 4 bệ phóng S-400 cùng loạt thiết bị quân sự bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng.

"Có thể thấy rằng Ukraine đã sử dụng hiệu quả các khí tài mà họ được cung cấp", tướng Charles Q. Brown, chủ tịch Hội chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 25/4 nhận định.

Mỹ tháng 9/2023 đã chuyển giao cho Ukraine một số tên lửa ATACMS, song đây là biến thể Block I mang đầu đạn chùm và có tầm bắn 165 km, chỉ bằng một nửa biến thể tầm xa mà Washington mới viện trợ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden ban đầu từ chối viện trợ cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa do lo ngại Kiev có thể dùng loại đạn này để tập kích các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, gây nguy cơ leo thang xung đột.

Tuy nhiên, ông Biden đã thay đổi quan điểm sau khi chứng kiến quân đội Ukraine cạn kiệt trang thiết bị, đạn dược và dần đánh mất lãnh thổ trước đà tiến của lực lượng Nga.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 25/4 nói việc Mỹ chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine là điều "không thể biện minh", cáo buộc hành động này làm gia tăng mối đe dọa về an ninh với bán đảo Crimea, các khu vực Nga mới sáp nhập ở Ukraine và những thành phố trong lãnh thổ nước này.

Ukraine thời gian qua tăng cường triển khai tên lửa, UAV và xuồng tự sát để tập kích Crimea, trụ sở của Hạm đội Biển Đen, nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Nga và buộc hạm đội nước này phải rút lui khỏi vùng biển.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng cho biết Kiev "rất muốn phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương", bao gồm cầu Kerch chiến lược nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Vị trí bán đảo Crimea. Đồ họa: RYV

Phạm Giang (Theo RT, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020