Thừa nguồn cung ô tô Trung Quốc
Theo tờ Carscoops, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất ô tô tại toàn Trung Quốc là khoảng 40 triệu ô tô mỗi năm. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng nội địa chỉ dừng lại ở con số 22 triệu xe mỗi năm. Bất chấp sự chênh lệch giữa cung và cầu này, Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xe hơi.
Xe tại Trung Quốc được sản xuất nhiều nhưng sức tiêu thụ chỉ bằng một nửa.
Vấn đề dư thừa nguồn cung của ô tô Trung Quốc đang gây trở ngại cho những nhà sản xuất ô tô lâu đời và cả các hãng đang thúc đẩy công nghệ mới. Các dây chuyền sản xuất ô tô động cơ đốt trong đang cho ra đời các sản phẩm ngày càng ít được ưa chuộng.
Trong khi đó, các phương tiện sử dụng năng lượng mới như xe điện, hybrid (HEV) hay hybrid cắm sạc (PHEV) có thể hấp thụ được khoản dư nguồn cung thì lại đang phải đối mặt với những khó khăn do lo ngại về bất ổn kinh tế.
Xe động cơ đốt trong của nhiều thương hiệu lớn bị xe điện Trung Quốc tạo thách thức.
Theo tờ Wall Street Journal, năm ngoái có tới 123 thương hiệu xe Trung Quốc đưa ra thị trường ít nhất một mẫu xe điện. Ngay cả với Zhido - một công ty phá sản vào năm 2019 - cũng đang được vực dậy từ "cõi chết". Điều đó đẩy các nhà sản xuất xe điện vào một cuộc chiến khốc liệt về giá.
Ô tô Trung Quốc tràn ra thế giới
Với tình trạng cung vượt xa cầu như trên, hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang khám phá các thị trường khác trên thế giới. Do đó, xuất khẩu ô tô Trung Quốc tăng gấp 5 lần từ năm 2020 đến năm 2023. Phần lớn số xe được tiêu thụ ở Nga.
Các hãng xe Trung Quốc cũng muốn tiếp cận nhiều thị trường ngoài khác. Điều này đang khiến ngay cả những hãng xe phương Tây cũng như các Chính phủ phải lo ngại. Mỹ đang tính mở rộng thuế quan để bảo vệ các hãng xe trong nước. Liên minh châu Âu thì đang điều tra các khoản trợ cấp xe điện của Trung Quốc và có thể cân nhắc ra biện pháp tương tự.
Xe Trung Quốc có thể bị đánh thuế bổ sung tại một số quốc gia.
Xu hướng xe Trung Quốc xuất ra nước ngoài cũng có thể thấy rõ ở Việt Nam. Trong năm 2023-2024, nhiều hãng xe Trung Quốc đổ bộ như GWM (có thương hiệu Haval), Chery (2 thương hiệu Omoda, Jaecoo), BYD hay GAC (có thương hiệu Aion) và Lynk & Co thuộc Geely.
Chính phủ Trung Quốc vẫn khuyến khích và đầu tư cho ngành công nghiệp xe
Điều trên đang đưa tới một câu hỏi là tại sao Chính phủ Trung Quốc lại trợ cấp cho một ngành mà đang dư thừa công suất.
Đó là mong muốn của Chính phủ Trung Quốc trong việc củng cố vị thế của các hãng xe nước họ trên thị trường toàn cầu. Đây cũng là nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhiều thương hiệu xe lớn bị các hãng xe Trung Quốc thách thức trong mảng điện hoá.
Đáng chú ý hơn, sự hỗ trợ này đồng nghĩa với việc các hãng xe thua lỗ vẫn có thể tiếp tục sản xuất thêm nhiều xe để đưa ra thị trường. Năm 2023, chỉ có 4 trong số 123 nhà sản xuất xe điện bán được hơn 400.000 xe (một con số được cho là để hoà vốn ở Trung Quốc). Các hãng này gồm BYD, Tesla (hãng xe Mỹ có nhà máy tại Trung Quốc), Aion và Wuling. Cả 3 thương hiệu nội địa Trung Quốc kể trên đều phân phối xe chính hãng tại Việt Nam.