Chuyên mục  


Hai quan chức Mỹ và một nguồn tin am hiểu kế hoạch ngày 26/4 cho biết gói mua sắm sẽ có đạn tên lửa phòng không Patriot và NASAMS, đạn pháo, đạn rocket HIMARS, phương tiện bay không người lái (drone), vũ khí chống drone, tên lửa không đối không cho tiêm kích.

Gói mua sắm này thuộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD được Mỹ thông qua ngày 24/4, song số thiết bị nói trên có thể không tới Ukraine trong vài năm nữa do nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Theo sáng kiến này, Lầu Năm Góc ký hợp đồng với các công ty quốc phòng Mỹ để chế tạo vũ khí mới cho Ukraine, thay vì rút trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M101 tại vị trí gần thành phố Avdeevka ngày 22/3. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến công bố gói mua sắm trong cuộc họp trực tuyến ngày 26/4 với đại diện hơn 50 quốc gia trong Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG).

Gói mua sắm được đánh giá là động thái hỗ trợ lớn nhất của Mỹ sau nhiều tháng tay trắng dự họp UDCG vì quốc hội không thông qua khoản ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine.

Gói mua sắm trị giá 6 tỷ USD nằm riêng biệt với lô viện trợ quân sự trị giá một tỷ USD mà Mỹ công bố ngày 24/4, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ký thông qua đạo luật ngân sách cho Ukraine. Với lô viện trợ, Washington rút trực tiếp vũ khí từ kho để nhanh chóng chuyển cho Kiev.

Mỹ đưa ra các gói hỗ trợ và mua sắm trên trong bối cảnh Ukraine bị lực lượng Nga áp đảo cả về quân số và đạn dược trên tiền tuyến, còn ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang hoạt động hết công suất.

Tình trạng thiếu đạn pháo, tên lửa phòng không và tên lửa ATACMS với tầm bắn hơn 300 km khiến năng lực tác chiến của Ukraine suy giảm nghiêm trọng, không thể chống đỡ các đợt tiến công trên tiền tuyến hay những trận tập kích nhằm vào hạ tầng trọng yếu do Nga thực hiện.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Chính quyền Biden tháng trước bí mật chuyển biến thể tầm xa của tên lửa ATACMS cho Ukraine, quân đội nước này sau đó dùng chúng tấn công một số vị trí nằm sâu trong hậu phương Nga.

Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo không loại vũ khí nào, kể cả tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km, có thể thành viên đạn bạc đủ sức thay đổi cục diện chiến sự.

Ông Sullivan nhận định Ukraine vẫn chịu áp lực nặng nề trên chiến trường và "chắc chắn Nga có khả năng đạt được thêm lợi ích chiến thuật trong những tuần tới".

Điều này đồng nghĩa lực lượng Nga có thể tiến quân và chiếm một số mục tiêu trên phòng tuyến Ukraine, trước khi vũ khí viện trợ của Mỹ có thể giúp quân đội nước này củng cố khả năng phòng thủ.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020