Chuyên mục  


Đài truyền hình quốc gia Tele Sahel của Niger hôm nay đưa tin nhóm cố vấn Nga đầu tiên gồm khoảng 100 người đã tới Niger ngày 10/4, cùng các hệ thống phòng không. Hai vận tải cơ quân sự Nga đến Niger ngày 5/5.

Nga cũng đã triển khai ba vận tải cơ chở thiết bị quân sự và chuyên viên đào tạo đến Niger trong tháng qua. Quân đoàn châu Phi, được coi là đơn vị kế thừa tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở châu Phi, đăng trên Telegram xác nhận sự xuất hiện của chuyên viên huấn luyện Nga.

Lực lượng này ngày 5/5 xác nhận thêm nhiều huấn luyện viên, thiết bị quân sự và thực phẩm đã được chuyển từ Nga đến Niger.

Động thái của Nga diễn ra sau khi Niger hồi tháng 3 yêu cầu Mỹ rút gần 1.000 quân nhân khỏi nước này. Mỹ hôm 19/4 thông báo chấp thuận yêu cầu trên và chuẩn bị chấm dứt hiện diện quân sự ở Niger.

Trước khi quân đội Niger tiến hành đảo chính vào tháng 7/2023, quốc gia Tây Phi này vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống các nhóm phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger gần đây củng cố quan hệ với Nga, đồng thời phản đối sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên lãnh thổ.

Người dân mang quốc kỳ Niger và Nga trên đường phố thủ đô Niamey tháng 8/2023. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 2/5 nói quân nhân Nga đã tiến vào Căn cứ Không quân 101 ở Niger, nơi lính Mỹ đang đồn trú. Lực lượng Nga không ở chung với quân đội Mỹ, nhưng đang sử dụng nhà chứa máy bay nằm tách biệt tại Căn cứ Không quân 101, cạnh sân bay quốc tế Diori Haman ở thủ đô Niamey.

Khi được hỏi về việc lực lượng Nga đến căn cứ ở Niger, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva đang phát triển mối quan hệ với nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có lĩnh vực quân sự.

Mỹ và Niger đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc rút quân. Lực lượng Mỹ có căn cứ máy bay không người lái quan trọng gần thành phố Agadez, được xây dựng với chi phí khoảng 100 triệu USD.

Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi, những nước coi Moskva là quốc gia thân thiện. Mali và Burkiana Faso, hai quốc gia láng giềng của Niger, đã trải qua đảo chính quân sự từ năm 2020 và tìm đến Nga để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ an ninh.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020