Chuyên mục  


Sau Thế chiến II, Thụy Sĩ rất muốn mua xe tăng nước ngoài để thay thế những phương tiện chiến đấu đã lỗi thời như pháo chống tăng tự hành Jagdpanzer 38, còn gọi là Hetzer.

Tuy nhiên, Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 khiến nguồn cung xe tăng chất lượng trở nên bất khả thi, buộc Thụy Sĩ phải mua mẫu xe tăng hạng nhẹ AMX-13 của Pháp để dùng trước khi tìm thiết kế triển vọng hơn.

Chính phủ Thụy Sĩ năm 1953 thông qua khoản ngân sách để phát triển xe tăng chủ lực nội địa. Các nguyên mẫu đầu tiên có định danh Panzer 58, một chiếc dùng pháo 90 mm nội địa, một chiếc lắp pháo Ordnance QF 20-pounder 84 mm và một chiếc lắp pháo Royal Ordnance L7 105 mm.

Nguyên mẫu với pháo 105 mm, lớp giáp có độ dày tối đa 80 mm, được chọn sản xuất loạt vào năm 1961 và mang tên Panzer 61, song mẫu xe tăng này lập tức trở nên lỗi thời. Vào thời điểm đó, xe tăng T-54/T-55 của Liên Xô, được trang bị pháo 100 mm với năng lực tác chiến mạnh hơn, đã được sản xuất với số lượng lớn trong hơn một thập kỷ.

Thụy Sĩ quyết định từ bỏ Panzer 61, phát triển xe tăng mới đặt tên là Panzer 68. Mẫu xe tăng này có xích rộng, động cơ mạnh và pháo ổn định hơn. Giáp của Panzer 68 tốt hơn mẫu cũ, với độ dày tối đa 120 mm.

Xe tăng Panzer 68 của quân đội Thụy Sĩ năm 1991. Ảnh: Wikimedia

Panzer 68 được sản xuất lần đầu năm 1971, nhưng cũng giống như Panzer 61, mẫu xe tăng này lập tức trở nên lỗi thời. Lớp giáp bằng thép cán của Panzer 68 không thể chống được các loại vũ khí chống tăng thời đó.

Hỏa lực của pháo L7 105 mm trên Panzer 68 vẫn tương đối đáng gờm, nhưng nhiều xe tăng chủ lực cùng thời đã trang bị pháo mạnh hơn, như mẫu Chieftain của Anh dùng pháo 120 mm và T-64 của Liên Xô với pháo 125 mm.

Thụy Sĩ trong nhiều thập kỷ tiếp theo nâng cấp Panzer 68, với biến thể hiện đại nhất là Panzer 68/88. Các biến thể nâng cấp của Panzer 68 thậm chí được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực của Leopard 2, song mẫu xe tăng này dần mất vai trò trong quân đội Thụy Sĩ và bị loại biên hoàn toàn năm 2003.

Panzer 68 là mẫu xe tăng kém ấn tượng đến mức chỉ được nhớ đến bởi những lỗi thiết kế nghiêm trọng. Trong bài viết năm 1979 đăng trên một tạp chí của Thụy Sĩ, chỉ huy lực lượng tăng thiết giáp nước này nhận định Panzer 68 "không phù hợp để chiến đấu", buộc quốc hội Thụy Sĩ phải thành lập ủy ban thanh tra.

Các chuyên gia thuộc ủy ban phát hiện loạt lỗi kỹ thuật trên Panzer 68, như thiết kế hộp số không cho phép chuyển sang số lùi khi xe đang di chuyển.

Hệ thống phòng hóa, sinh, xạ của Panzer 68 tệ đến mức kíp lái phải mặc đồ bảo hộ cá nhân khi ngồi trong. Một lính tăng Thụy Sĩ cho biết bộ đồ này cản trở nghiêm trọng thao tác, khiến họ không thể bắn chính xác.

Xe tăng Panzer 68 của Thụy Sĩ trong diễn tập năm 1981. Ảnh: Wikimedia

Trong khi đó, hệ thống liên lạc vô tuyến của Panzer 68 có thể gây rối loạn hệ thống xoay tháp pháo điện tử, khiến tháp pháo trong một số trường hợp chuyển động không thể kiểm soát được.

Lỗi đáng sợ này có thể khiến Panzer 68 bị hạ gục khi cố gắng hướng pháo chính về phía đối phương. Kíp lái buộc phải tắt hệ thống liên lạc vô tuyến để khắc phục lỗi, nhưng khi đó lại không thể liên lạc với xe tăng khác.

Lỗi kỹ thuật đáng lo ngại nhất nằm ở hệ thống điều khiển hỏa lực đấu chung mạch điện với máy sưởi trang bị trên xe. Do thiết kế này, mỗi khi kíp lái kích hoạt hệ thống sưởi trên xe tăng trong thời tiết lạnh, pháo chính đều có thể khai hỏa nếu đã có đạn được nạp sẵn.

Đây là lý do tờ Blick của Thụy Sĩ từng mỉa mai rằng xe tăng Panzer 68 "nguy hiểm hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó". May mắn là lỗi này chưa gây ra bất cứ tai nạn đáng tiếc nào và được khắc phục trên biến thể Panzer 68/88.

Loạt lỗi kỹ thuật trên Panzer 68 gây bê bối lớn tới mức bộ trưởng quốc phòng Thụy Sĩ khi đó là Rudolf Gnaegi phải từ chức và quốc hội Thụy Sĩ quyết định từ bỏ nỗ lực phát triển xe tăng nội địa, chọn mua mẫu Leopard 2 của Đức.

Tuy nhiên, Panzer 68 vẫn được đánh giá là nỗ lực tốt trong tham vọng chế tạo xe tăng của Thụy Sĩ, quốc gia ít có kinh nghiệm thiết kế loại khí tài này. Marc Rogivue, từng là trưởng xe Panzer 68, nhận định phương tiện này phục vụ phòng thủ chứ không phải vũ khí tấn công, "do đó chúng không đến nỗi tệ vào thời điểm đó".

Nguyễn Tiến (Theo Tank AFV, War History, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020