Một phần sông Amazon ngày nay. Ảnh: Jhampier Giron M
Sông Amazon là hệ thống thoát nước lớn nhất thế giới về mặt lưu lượng nước và lưu vực sông. Dòng sông dài 6.400 km chảy từ dãy núi Andes ở Peru, qua Nam Mỹ trước khi đổ vào Đại Tây Dương. Tuy nhiên, theo một phát hiện bất ngờ vào năm 2006 và nhiều nghiên cứu địa chất sau đó, điều này không phải luôn đúng. Suốt hàng triệu năm trong quá khứ, dòng sông từng chảy theo hướng ngược lại, theo IFL Science.
Russell Mapes, nhà địa chất học ở Đại học Bắc Carolina, nỗ lực tìm hiểu dòng phù sa sông từ dãy Andes tới Đại Tây Dương. Khi xem xét phù sa bồi lắng ở trung tâm Nam Mỹ, ông tìm thấy nhiều mẩu khoáng chất zircon cổ đại, vốn có nguồn gốc từ hướng đông thay vì từ dãy Andes tới hướng tây. Dọc theo lưu vực, niên đại của những hạt khoáng chất hé lộ nhiều vị trí cụ thể ở trung tâm và phía đông Nam Mỹ.
Theo Mapes, điều đó rất kỳ lạ bởi hiện nay, sông Amazon chảy từ tây sang đông, không phải từ đông sang tây. Điều gì chuyển vỉa đá zircon cổ đại từ hướng đông sang tây? Đó không chỉ là bằng chứng dòng sông có thể chảy theo hướng ngược lại, trong đó hóa thạch của động vật biển ưa nước mặn được tìm thấy ở các khu vực ngoài dự đoán. Khi xem xét kỹ hơn, Mapes và cộng sự kết luận sông Amazon từng chảy theo hướng ngược lại trong quá khứ do một vùng cao nguyên ở đông bắc Nam Mỹ, hình thành trong suốt kỷ Phấn Trắng cách đây 65 - 145 triệu năm. Lưu vực Amazon bằng phẳng đến mức địa hình nghiêng theo hướng nào đều có thể thay đổi đáng kể dòng chảy, theo Drew Coleman, người hướng dẫn của Mapes.
Theo nhóm nghiên cứu, vào thời gian trước khi dãy Andes hình thành, độ dốc này khiến dòng sông chảy từ đông sang tây, hướng tới dãy Purus Arch, còn nước ở sườn phía tây dãy núi chảy về phía Thái Bình Dương. Khi khu vực cao nguyên ở vùng đông bắc bị xói mòn, nước bắt đầu chảy theo hướng ngược lại. Vào thời kỳ dãy Andes ra đời, một lưu vực xuất hiện giữa dãy Andes và Purus Arch. Theo thời gian, lưu vực này đầy dần và cuối cùng tràn nước, dẫn tới sông Amazon chảy như chúng ta thấy ngày nay.
"Chúng tôi nghĩ thay đổi cuối cùng xảy ra trong vòng 5 - 10 triệu năm, thực sự rất nhanh về mặt địa chất", Mapes cho biết.
Dù đây là giả thuyết hợp lý, một mô hình năm 2014 cho thấy sự nhô lên của dãy Andes chặn lại nhiều mây hơn và lượng mưa sau đó gây xói mòn, tạo ra đầm lầy Pebas. Vào khoảng thời gian khớp với sự kiện chuyển dòng cách đây 10 triệu năm, phù sa tích tụ đẩy khu vực nâng lên, dẫn tới sông Amazon đổi dòng. Các chuyên gia nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ hơn để tìm ra cơ chế chính xác của quá trình đổi dòng.
An Khang (Theo IFL Science)