Giữa tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), những chiếc xe container chở đào, quất và các loại hoa cây cảnh khác nối đuôi nhau "cập bến" TP Vinh.
Với nhu cầu tiêu thụ hoa, cây cảnh Tết Nguyên đán ngày càng lớn, khối lượng công việc tại các nhà vườn cũng tăng cao. Số lao động làm việc định kỳ không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, buộc các chủ vườn phải thuê thêm lao động thời vụ.
Anh Nguyễn Trung, chủ một vườn đào trên đường 72m, TP Vinh, cho biết: "Công việc quá nhiều, tôi phải thuê thêm 4 lao động thời vụ. Thời điểm này, lao động rất khan hiếm, vì vậy phải nhờ người thân giới thiệu những người lao động từ các tỉnh khác."
Ngày thường, ông Trần Văn Mười (55 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm công việc cửu vạn hoặc ai thuê gì làm nấy. Tuy nhiên, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, ông chuyển sang Nghệ An làm thuê cho các chủ vườn bán cây cảnh.
"Tôi được thuê để bốc vác, vận chuyển đào từ xe tải xuống điểm bán, hạ đào sang chậu mới, tưới nước, lát cỏ... Từ cuối tháng 12/2024 đến nay, tôi làm gần như liên tục. Tiền công mỗi ngày là 500 nghìn đồng," ông Mười cho hay.
Dịp giáp Tết, mỗi nhà vườn thường cần từ 3 đến 5 người để làm các công việc chăm sóc, vận chuyển cây cảnh, với mức lương dao động từ 500 nghìn đồng trở lên mỗi ngày.
Tuy nhiên, việc thuê lao động thời vụ vào cuối năm gặp không ít khó khăn.
Đối với những lao động chuyên bê chậu cảnh, mức tiền công thường từ 250 đến 350 nghìn đồng/người/ngày.
Tranh thủ thời gian nông nhàn, anh Nguyễn Văn Long (40 tuổi, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) cùng vài người bạn đã đến các điểm bán hoa, cây cảnh Tết để tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập cho dịp Tết.
"Công việc của tôi chủ yếu là bê chậu cảnh, hạ đào sang chậu mới, lát cỏ... Dù vất vả và nặng nhọc, nhưng thu nhập lại khá cao. Nếu làm đến ngày 30 Tết, tôi cũng sẽ có một khoản tiền để chi tiêu và mua sắm cho Tết", anh Long nói.
Vào dịp cận Tết, nhiều lao động làm nghề xe ôm, cửu vạn và các công việc khác đã chuyển sang vận chuyển cây cảnh thuê. Nếu chăm chỉ, mỗi lao động có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Dũng (lao động tự do ở TP Vinh) chia sẻ: "Nghề chở cây cảnh có nhiều rủi ro. Trong quá trình di chuyển, phải rất cẩn thận để tránh va chạm, tránh làm rụng hoa hay rơi quả. Thời điểm này, sức mua còn hạn chế nên mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến. Chắc phải đến sau ngày 23 tháng Chạp, khi lượng khách mua tăng lên thì công việc bận rộn hơn."
GĐXH - Những ngày này, người dân làng Phan Thanh tất bật với những đơn hàng Tết. Hơn 50 gia đình theo nghề với hàng trăm tấn lươn bỏ cho thương lái tỏa đi muôn nơi.