Những cách dùng đũa trong lịch sử Trung Quốc. Video: Kanjian
Có nhiều truyền thuyết về người phát minh ra đũa ở Trung Quốc, trong đó phổ biến nhất là câu chuyện Đát Kỷ.
Đát Kỷ (1076-1046 TCN) là vương hậu thứ hai của Trụ Vương, quân chủ cuối cùng của nhà Thương (1766-1122 TCN) trong lịch sử Trung Quốc. Trụ Vương nổi tiếng là bạo quân, tính tình vui buồn thất thường, lúc ăn uống nếu thức ăn nóng quá hay nguội quá đều có thể tức giận sai chém đầu bếp.
Đát Kỷ được Trụ Vương sủng ái, thường hầu hạ vua trong bữa ăn. Một lần, Đát Kỷ nếm thức ăn thấy quá nóng, nhanh trí lấy cây trâm ngọc cài tóc xiên đồ ăn, thổi nguội mới đút cho Trụ Vương. Trụ Vương thích thú, ngày nào cũng yêu cầu Đát Kỷ đút thức ăn. Đát Kỷ yêu cầu thợ thủ công chế tác hai cây trâm dài chuyên gắp thức ăn cho vua. Về sau, cách ăn này được truyền ra dân gian, đôi đũa có từ đó.
Tuy nhiên, theo Lam Tường, viện trưởng Bảo tàng Đũa dân gian Thượng Hải, truyền thuyết này không đúng. Đôi đũa đầu tiên ở Trung Quốc là đũa tre, dùng để kẹp thức ăn nóng, có lịch sử hơn 4.000 năm trước. Thời đó, đũa chưa có hình dáng như bây giờ, mà là chiếc ngắn chiếc dài, chiếc to chiếc bé, thô ráp xù xì.
Đến thời Trụ Vương, đũa mới có hình dáng tương tự ngày nay. Theo Sử Ký, cuốn sử của Tư Mã Thiên viết từ năm 109 tới 91 TCN, Trụ Vương sau khi giết voi đã cưa ngà làm đũa nhằm biểu đạt quyền lực và địa vị tối cao. Đây là đôi đũa ngà voi đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, có từ hơn 3.100 năm trước.
Hồng Hạnh (Theo CCTV)