Chuyên mục  


Xe tăng hạng trung M3 của Mỹ thoạt nhìn trông có vẻ uy lực với hai tháp pháo chính, nhưng hàng loạt hạn chế trong tác chiến khiến nó trở thành mẫu xe tăng bị lính Đồng minh căm ghét nhất trong Thế chiến II và sớm bị lu mờ bởi phiên bản kế nhiệm M4 Sherman.

Dòng M3 ra đời dựa trên những yêu cầu cấp thiết từ chiến trường. Khi bắt đầu tham gia Thế chiến II, quân đội Mỹ chỉ biên chế xe tăng hạng nhẹ M2A4 và M3 Stuart, cùng vài chục xe tăng hạng trung M2 chỉ phù hợp cho huấn luyện. Tất cả đều trang bị pháo cỡ nhỏ 37 mm, đủ để xuyên thủng hầu hết các loại xe tăng vào đầu cuộc chiến.

M3-3-3660-1636357959.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=idz3HveLYI123_k-i4glXw

Phiên bản M3 Grant (trái) và Lee được Anh triển khai ở Bắc Phi năm 1942. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, những trận đánh của Đức tại Pháp cho thấy xe tăng hạng nặng như Matilda và Char B1bis gần như bất khả xâm phạm trước pháo 37 mm. Pháo cỡ nòng lớn, từ 75 mm trở lên, cũng rất hiệu quả khi diệt bộ binh trong công sự.

Hai tháng sau khi xe tăng Panzer của Đức đánh bại quân Pháp đầu năm 1940, Mỹ bắt đầu thiết kế xe tăng hạng trung mới, trang bị pháo 75 mm với định danh M4 Sherman. Tuy nhiên, quá trình thiết kế tháp pháo cho loại pháo cỡ lớn này đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp Mỹ, khiến dòng M4 Sherman chỉ được đưa vào tác chiến từ năm 1942.

Xe tăng M3 Lee nổi lên như một giải pháp tình thế trong khi chờ dòng M4 xuất xưởng. Nó được lắp pháo 75 mm trên bệ xoay ở sườn phải thân xe tăng hạng trung M2, phía trên là một một tháp pháo quay nhanh gắn pháo 37 mm, tương tự mẫu Char B1bis của Pháp.

Do có hai tháp pháo, M3 cần đến hai pháo thủ và hai người nạp đạn, khiến kíp tăng có số lượng lên đến 7 người. Xe được lắp thêm 2-4 súng máy cỡ 7,62 mm để thực hiện nhiệm vụ phòng không và diệt bộ binh.

Xe tăng M3 Lee nặng 30 tấn với giáp thép dày 38-51 mm được cố định bằng đinh tán. Nhờ trang bị động cơ máy bay R975 Whirlwind, nó có thể đạt tốc độ tối đa 42 km/h.

Các nhà máy Mỹ bắt đầu xuất xưởng xe tăng M3 từ tháng 8/1941, với 6 biến thể khác nhau có định danh từ M3 đến M3A5, với những khác biệt về động cơ và thiết kế tháp pháo. Tổng cộng 6.258 chiếc M3 đã được chế tạo tính đến thời điểm ngừng sản xuất vào tháng 12/1942.

Hơn 2.855 chiếc được Mỹ bán ngay cho Anh, khi đó đang yếu thế trước lực lượng cơ giới thuộc Quân đoàn châu Phi của tướng Đức Erwin Rommel trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Bắc Phi. Anh nhất quyết đặt hàng phiên bản riêng mang tên M3 Grant, trong đó đài vô tuyến gắn trên tháp pháo giúp giảm một điện đài viên khỏi kíp lái.

167 chiếc M3 Grant lần đầu tham chiến trong trận Gazala tháng 5/1942. Ban đầu, quân Anh ưa chuộng M3 vì xe tăng nội địa của họ vẫn dùng pháo cỡ 40 mm và không có đạn chống bộ binh. Pháo 75 mm trên M3 Grant có thể tấn công xe tăng Panzer II Đức ở ngoài tầm đáp trả của đối phương.

"Cho đến tháng 5/1942, xe tăng của chúng tôi nhìn chung có chất lượng vượt trội so với các loại tương ứng của Anh. Điều này giờ không còn đúng nữa", tướng Đức Rommel viết về sự xuất hiện của M3 Grant.

M3-1-5203-1636357959.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZznGeXaIYCjWACx_HaXEZA

Kíp xe M3 Mỹ tại Tunisia năm 1942. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, xe tăng M3 cũng nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu chết người. Xe tăng thường chiến đấu ở trạng thái giấu thân, trong đó phần thân ẩn sau đỉnh đồi hoặc vật cản nhằm hạn chế nguy cơ bị bắn trúng, chỉ có một phần tháp pháo lộ ra để xạ kích. Tuy nhiên, do pháo 75 mm gắn thấp ở bên thân, xe tăng M3 Grant gần như phải "phơi mình" ra để khai hỏa, khiến phần thân cao gần 3 m của nó trở thành mục tiêu nổi bật cho đối phương.

Giáp xe M3 có thể chống chịu đòn tấn công từ pháo 50 mm trên xe tăng Panzer III ở khoảng cách xa, nhưng dễ bị xuyên thủng khi Đức tung xe tăng Panzer IV Ausf F2 trang bị pháo nòng dài cỡ 75 mm vào chiến trường.

Lớp giáp gắn đinh tán trên xe tăng M3 cũng trở thành nỗi ám ảnh với kíp xe. Ngay cả đạn pháo đối phương không xuyên thủng giáp xe M3, những đinh tán này cũng dễ dàng bị bung ra và văng tứ tung bên trong, biến thành những "viên đạn" có thể hạ gục toàn bộ kíp xe.

Khi Mỹ đổ bộ vào Bắc Phi tháng 11/1942, xe tăng M4 Sherman ưu việt hơn đã thay thế mẫu M3. Tuy nhiên, nhiều xe tăng M3 vẫn tiếp tục chiến đấu trong biên chế Trung đoàn thiết giáp số 13 thuộc Sư đoàn thiết giáp số 1 Mỹ.

Những chiếc M3 của Trung đoàn thiết giáp số 13 đã chịu tổn thất nặng trước xe tăng Panzer IV và súng chống tăng của Sư đoàn xe tăng số 10 Đức tại thị trấn Djedeida, Tunisia. Tuy nhiên, lực lượng này cũng được đánh giá cao khi phục kích và diệt 14 xe tăng của Sư đoàn Thiết giáp số 21 Đức trong cuộc phản công của Rommel.

Anh cũng điều chuyển nhiều đơn vị M3 đến Myanmar để đối phó quân Nhật. Quân đội Australia và Ấn Độ cũng lần lượt tiếp nhận 1.700 và 900 xe tăng M3 Grant.

Những chiếc M3 đã chứng tỏ khả năng thích ứng cao với địa hình gồ ghề để hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh. Trong trận Imphal ở đông bắc Ấn Độ năm 1944, chúng đã chặn đứng đà tiến công của xe tăng Type 95 thuộc Trung đoàn xe tăng số 14 Nhật Bản.

Mỹ chuyển giao 1.386 xe tăng M3 cho Liên Xô bằng đường biển, nhưng Moskva chỉ nhận được 957 chiếc và ban đầu không có đạn đi kèm do các đoàn tàu vận tải bị đối phương đánh chặn trên biển.

Binh sĩ Hồng quân Liên Xô cũng không ưa xe tăng M3, thậm chí còn đặt biệt danh cho nó là "cỗ quan tài của bảy anh em", do lớp sơn và lót cao su trong xe dễ bốc cháy và tạo ra khói độc với kíp xe khi bị trúng đạn.

M3-2-9590-1636357959.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P4nEwIQqqHb36VL38uCIMw

Đơn vị xe tăng M3 của Liên Xô ở trận Kursk tháng 7/1943. Ảnh: BQP Nga.

Trong một trận đánh tại Stalingrad, chỉ hai trong 51 xe tăng M3 của Lữ đoàn thiết giáp số 241 Liên Xô sống sót sau khi vượt sườn núi, số còn lại trúng mìn và bị phá hủy bởi súng chống tăng của Sư đoàn cơ giới số 3 Đức. Lữ đoàn số 167 trang bị xe tăng M3 được điều đến tăng viện, nhưng cũng nhanh chóng bị quân Đức hủy diệt, chỉ 4 xe thoát nạn.

Dù lỗi thời, xe tăng M3 vẫn được Liên Xô sử dụng cho đến khi chiến tranh kết thúc, thường là ở các mặt trận thứ yếu. Trong số 957 xe tăng Hồng quân Liên Xô tiếp nhận của Mỹ, chỉ 102 chiếc vẫn còn hoạt động được vào thời điểm Nhật Bản đầu hàng.

Duy Sơn (Theo National Interest)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020