Thảo luận tại Quốc hội sáng nay (8/11), đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu giá phân bón, nguyên liệu đầu vào là một trong những vấn đề lớn của ngành nông nghiệp hiện nay.
Từ đầu năm 2021, giá phân bón sản xuất trong nước, nhập khẩu tăng khoảng 60-80%, và dự báo có thể còn tăng cao hơn nữa. Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt, trong khi giá các sản phẩm đầu ra bấp bênh.
"Đề nghị Chính phủ có giải pháp hạ giá phân bón, các mặt hàng thiết yếu nông nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn cho người dân", bà Hương cho biết.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang thảo luận tại nghị trường sáng 8/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Tại hội nghị đầu tháng 8, Cục trưởng Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, một phần nguyên nhân khiến giá phân bón tăng là giá nông sản thế giới liên tục tăng, (điển hình là giá gạo), kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và nhu cầu phân bón đi lên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo các doanh nghiệp sản xuất, nguyên nhân có thể xuất phát từ chi phí đầu vào nhiều hơn là yếu tố cung cầu.
Từ đầu năm 2021, sản xuất phân bón đều tăng trưởng cao. Vinachem sản xuất 90% phân lân chế biến, tiêu thụ 440.000 tấn, tăng 26,2%, URE công suất chiếm 40% cả nước, sản xuất 457.000 tấn, tăng hơn 20%; DAP công suất chiếm 100%, sản xuất 357.000 tấn, tăng 97%... tổng lượng là 2 triệu tấn đều có mức tăng cao so với năm 2020. Những con số này đảm bảo vấn đề cung cầu trên thị trường.
Trong khi đó, chi phí đầu vào ảnh hưởng rõ rệt hơn. Giá lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng hai lần trong 7 tháng đầu năm khiến giá đầu vào cho sản xuất lên cao. Đồng thời, sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch cũng tác động đến giá.
Ngoài vấn đề về chi phí sản xuất, đại biểu Trần Thị Thanh Hương còn nêu hai nút thắt khác của nông nghiệp là đầu ra cho sản phẩm và tập trung đất đai.
Với đầu ra cho sản xuất, hiện nay đa phần sản phẩm nông nghiệp chỉ đáp ứng các thị trường dễ tính. Mặt khác, các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ chưa làm đồng bộ, sản phẩm nông nghiệp vì thế chưa có tính cạnh tranh cao. Với thị trường nội địa, khi xâu chuỗi lại, đầu ra không chỉ là bài toán khó trong giai đoạn dịch bệnh, mà còn trong giai đoạn bình thường.
Với tập trung đất đai, đây là điểm xuất phát để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bên cạnh khoa học công nghệ. Tuy nhiên, theo bà Hương, đất đai hiện nay manh mún, phân tán; 26% số hộ nông nghiệp có diện tích 0,5 đến 2 ha, 63% hộ nông dân có diện tích đất dưới 0,5 ha, nhiều hộ sở hữu những mảnh đất nhỏ, rải rác.
"Muốn sản xuất lớn phải có chính sách lớn, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai để hình thành các mô hình hoạt động quy mô lớn, tăng cường liên kết là nguyện vọng của cử tri hiện nay", bà Hương nói.
Minh Sơn