Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy từ cuối năm 2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ 624 USD một tấn xuống còn 434 USD - thấp nhất từ năm 2021. Với giá này, Việt Nam là quốc gia có giá gạo rẻ nhất trong top 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Giá gạo 5% của các quốc gia trên lần lượt là 479, 440 và 448 USD một tấn.
Giá gạo xuất khẩu lao dốc khiến giá lúa tháng 1 cũng giảm liên tục. Lúa thường tại ruộng có giá bình quân hơn 6.400 đồng một kg, giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 12/2024; lúa thường tại kho bình quân 7.400 đồng một kg, giảm hơn 400 đồng.
Ông Hoàng, nông dân trồng lúa ở Cần Thơ, cho biết lúa Đông Xuân tại khu vực này sau Tết mới thu hoạch, nhưng bà con lo lắng nếu giá tiếp tục giảm, vụ này gia đình ông có thể thua lỗ vì chi phí đầu vào tăng cao.
Theo ông Hoàng, giá lúa giảm sâu nên thương lái e ngại ký hợp đồng với nông dân. "Năm ngoái, thời điểm này thương lái liên tục đặt cọc giá cao, nay không thấy ai hỏi mua. Nhiều thương lái đã nghỉ Tết từ sớm", ông Hoàng nói.
Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi
Lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang cho biết doanh nghiệp đang hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đó. Còn các hợp đồng cho lúa gạo cuối quý I, II năm 2025 đang trì hoãn vì chưa thu mua gạo mới từ nông dân. Mặt khác, giá gạo biến động liên tục nên doanh nghiệp lo lỗ nếu mua lúa với giá cao.
"Chúng tôi đang quan sát tình hình thị trường và nhu cầu thực tế để thu mua lúa với giá hợp lý," ông này chia sẻ.
Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm sâu đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.
Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu, giúp tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên họ chưa vội mua lúc này và đang chờ giá xuống.
Ngoài ra, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Gần đây, có thông tin Philippines đang đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhiều hơn. Các khách hàng tư nhân từ Philippines thường mua gạo của Việt Nam với số lượng hạn chế vì cân đối tài chính, quay vòng vốn hay trả nợ ngân hàng khiến thị trường lắng xuống.
Sắp tới, khi vụ Đông Xuân 2024-2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Theo các doanh nghiệp, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cũng như thế giới có khả năng còn giảm sâu trong năm 2025, bởi áp lực gạo giá rẻ từ Ấn Độ. Gạo cấp thấp giảm mạnh có thể kéo phân khúc chất lượng cao, gạo thơm giảm theo, nhất là khi nguồn cung này được tăng cường.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung lúa gạo toàn cầu trong năm nay sẽ tăng đáng kể, với sản lượng dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 530 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Sự gia tăng này chủ yếu đến từ việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi Basmati, dự kiến xuất khẩu 21-22 triệu tấn gạo trong năm 2025, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia như Ai Cập, Guyana, Nhật Bản và Venezuela cũng đóng góp vào sự gia tăng sản lượng, trong khi Philippines là ngoại lệ với dự báo sản lượng giảm. Để duy trì và mở rộng thị phần, các nước xuất khẩu cần linh hoạt trong chiến lược tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới.
Thi Hà