Đề nghị này được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nêu tại buổi làm việc chiều 6/11 với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về phát triển kinh tế xã hội 9 tháng và thực hiện Nghị quyết 31 về dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân.
Trước đề xuất gia hạn thêm giá FIT với dự án điện gió đến tháng 3/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành thương mại kịp trước ngày 1/11/2021 do chịu tác động của dịch.
"Đây cũng có thể xem là một giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 84 nhà máy điện gió, tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành thương mại, hoà lưới trước ngày 1/11, để hưởng giá FIT trong 20 năm. Còn lại 62 dự án không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với tỉnh Ninh Thuận, chiều 6/11. Ảnh: Doãn Tuấn
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Thuận đề xuất cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế mới giá điện mặt trời, sau khi cơ chế giá ưu đãi đã hết hạn. Về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án.
Cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định 13 về khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ 31/12/2020. Các dự án đầu tư, vận hành sau thời điểm này được Bộ Công Thương cho biết sẽ chuyển sang cơ chế giá đấu thầu. Tuy nhiên, hiện cơ chế này vẫn chưa được bộ ban hành, nhiều dự án có quy hoạch không thể triển khai vì không có cơ chế giá.
Liên quan tới chính sách tháo gỡ khó khăn khi dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách. Tỷ lệ này trước mắt có thể áp dụng đến năm 2023.
Ông giao Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường cùng địa phương đánh giá lại kết quả, khó khăn khi thực hiện. "Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận", ông nói.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất được hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài. Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ và Thủ tướng chủ động xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về đầu tư lưới điện, nếu chuẩn bị kịp, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp chuyên đề cuối năm nay. Dự án luật sửa đổi Luật Điện lực đã đề cập vấn đề đầu tư hệ thống truyền tải điện, nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hai năm sau thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (2019-2020), tỉnh này thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, Ninh Thuận đạt tốc độ tăng trưởng gần 10%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tốt, tiếp tục là bệ đỡ của kinh tế địa phương.
Ninh Thuận đang phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tỉnh này đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược vào các lĩnh vực trọng tâm, đột phá với nhiều dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa.
Anh Minh