Chuyên mục  


Đại tá Bill Urban, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi (NAVEUR-NAVAF), ngày 2/10 tuyên bố khu trục hạm USS Cole và USS Bulkeley đã phóng khoảng 12 quả đạn phòng không và "hạ nhiều tên lửa Iran" trong nỗ lực đối phó đòn tập kích quy mô lớn nhằm vào Israel trước đó một ngày.

Video được hải quân Mỹ công bố sau đó cho thấy tàu khu trục USS Bulkeley phóng tên lửa đánh chặn, song chưa rõ loại đạn được sử dụng.

Tàu khu trục USS Cole và USS Bulkeley đều được trang bị hệ thống tác chiến Aegis chuyên làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong đó vũ khí chủ lực là tên lửa phòng không SM-2ER, SM-3 và SM-6.

khoanh-khac-chien-ham-my-phong-dan-chan-ten-lua-dan-dao-iran-1727940482.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eUN_WMbNYcA3ZTeUfynEQw
Khoảnh khắc chiến hạm Mỹ phóng đạn chặn tên lửa đạn đạo Iran

Chiến hạm Mỹ phóng khai hỏa đánh chặn tên lửa Iran nhằm vào Israel ngày 1/10. Video: US Navy

Biên tập viên Howard Altman của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định hai khu trục hạm đã phóng tên lửa SM-3 hoặc SM-6 đắt tiền.

SM-6, còn có tên gọi RIM-174A ERAM, là tên lửa phòng không chuyên đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, đồng thời có thể được sử dụng như vũ khí chống hạm. Mỗi quả đạn SM-6 có giá khoảng 4,3 triệu USD.

Tập đoàn quốc phòng Raytheon từng nâng cấp phần mềm của SM-6 để bổ sung năng lực đối phó các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung, đồng thời phát triển khả năng đánh chặn vũ khí siêu vượt âm. Phó đô đốc Jon Hill, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), hồi năm 2022 nhấn mạnh SM-6 là khí tài duy nhất của nước này có thể chặn đầu đạn siêu vượt âm.

"Tuy nhiên, khả năng Mỹ dùng SM-6 không cao, bởi nó là vũ khí phòng thủ mang tính cục bộ, quả đạn thường vọt lên trên rồi lao xuống tên lửa đang ở pha cuối, không phù hợp để chặn tên lửa Iran từ xa", Altman cho hay.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa SM-6 trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy

Trong khi đó, RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) là vũ khí đánh chặn ngoài khí quyển có nhiệm vụ diệt tên lửa đạn đạo đối phương trong pha giữa, khi mục tiêu bay hành trình trên không gian. Khi đạt độ cao phù hợp, SM-3 sẽ phóng ra "phương tiện tiêu diệt" sử dụng lực đâm va để hạ mục tiêu, thay vì mang đầu nổ phá mảnh như tên lửa đánh chặn thông thường.

Tên lửa SM-3 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 1.200 km và độ cao 100 km. Tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ năm 2021 cho thấy mỗi quả đạn SM-3 Block IB có giá ước tính gần 12 triệu USD, trong khi biến thể Block IIA hiện đại nhất có giá lên tới hơn 36 triệu USD, chưa tính chi phí bảo dưỡng và nâng cấp.

Dòng tên lửa SM-3 được Mỹ triển khai trên tàu chiến từ năm 2004, nhưng chỉ được khai hỏa lần đầu trong tình huống chiến đấu hồi tháng 4, khi Iran phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel.

Đây là lần thứ hai Washington hỗ trợ Tel Aviv đối phó đòn tập kích tên lửa của Tehran trong chưa đầy 6 tháng qua. Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ lực lượng nước này ở Trung Đông và đồng minh Israel khỏi đòn tấn công của Iran hoặc các nhóm vũ trang mà Tehran hậu thuẫn.

Vị trí Iran - Israel. Đồ họa: BBC

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ước tính Iran phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo trong vụ tập kích ngày 1/10 và khẳng định lực lượng phòng không đã "đánh chặn phần lớn "mục tiêu. Tuy nhiên, video được công bố cho thấy hàng loạt tên lửa đạn đạo lao xuống đất phát nổ, trong đó có những khu vực gồm sân bay Tel Nof và Nevatim trọng yếu của không quân Israel.

Quân đội Israel ngày 3/10 thừa nhận một số căn cứ không quân đã bị tên lửa đạn đạo của Iran đánh trúng, song nhấn mạnh các cơ sở này không chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Nguyễn Tiến (Theo BI, AP, AFP, Fars News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020