Chuyên mục  


Hình ảnh xác nhiều con cá sấu lớn được máy cẩu chuyển đi tại trang trại ở tỉnh miền bắc Lamphun được dư luận Thái Lan chú ý tuần qua, khi nhiều người chỉ trích chủ trại đã cố tình giết và tiêu hủy hàng loạt đàn cá sấu.

Natthapak Khumkad, 37 tuổi, chủ trang trại, sau đó đăng lên Facebook hình ảnh ao nuôi cá sấu bị mưa lũ do bão Yagi tàn phá để giải thích cho hành động trong tình thế tuyệt vọng của mình.

"Đây là lý do khiến tôi phải đưa ra quyết định khẩn cấp. Hôm đó mưa rất to không dứt, thành ao bị xói mòn, khiến tường bao gần như sập xuống", Natthapak cho hay.

Trong ao lúc đó có 125 con cá sấu, 90 con là loại nuôi lấy giống có kích thước rất lớn, không thể kiểm soát nếu chúng xổng ra ngoài.

Thành ao nuôi cá sấu bị nước mưa làm xói lở, khiến bức tường phía trên có nguy cơ đổ sập. Ảnh: Khaosod

Nattapak lập ba chiến lược ứng phó. Ban đầu, anh chỉ đạo các nhân viên trong trang trại nỗ lực khắc phục sự cố tường bao nhanh nhất có thể, nhưng mưa lớn liên tục gây rủi ro lớn cho việc sửa chữa, khiến kế hoạch thất bại.

Phương án thứ hai là di dời tạm thời đàn cá sấu, nhưng không có nơi nào đủ an toàn. Natthapak còn liên hệ với chính quyền địa phương tìm nơi ở mới cho đàn cá sấu, song bị từ chối vì chúng quá lớn.

Không còn cách nào khác, anh cùng các nhân viên phải chọn phương án thứ ba, dùng điện giật chết 125 con cá sấu xiêm để đảm bảo an toàn khi nguy cơ sập tường bao ngày càng lớn.

"Đó là tình huống khẩn cấp, đòi hỏi quyết định nhanh chóng dưới 24 tiếng. Tiêu hủy đàn cá sấu là phương cách cuối cùng, cũng là giải pháp tốt nhất, nhanh nhất và an toàn nhất vào thời điểm đó, khi trời đổ mưa liên tục. Nếu không cấp thiết, chúng tôi đã không chọn cách này. Cảm ơn mọi người đã động viên và thông cảm", Natthapak viết trên Facebook.

Natthapppak Khumkad bên cạnh những con cá sấu lớn vừa bị tiêu hủy. Ảnh: Khaosod

Natthapak, người đã điều hành trang trại cá sấu từ 17 năm trước, cho biết đã tham khảo ý kiến gia đình trước khi đưa ra quyết định và mọi người trong nhà đều đồng ý tiêu hủy đàn cá sấu, ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

"Đó là quyết định khó khăn nhất đời tôi. Tôi và gia đình nhất trí rằng bức tường đổ sẽ là thảm họa, đe dọa tính mạng con người", Natthapak chia sẻ. "Chúng tôi chưa từng ghi nhận trường hợp nào như vậy trong mùa mưa suốt 17 năm qua. Mưa ở Kamphun năm nay cực lớn, rất khắc nghiệt".

Quyết định của Natthapak được giới chức địa phương ca ngợi. Pornthip Nualanong, lãnh đạo cơ quan quản lý thủy sản tỉnh Lamphun, gọi đây là quyết định "có trách nhiệm và dũng cảm", nhấn mạnh mối nguy tiềm tàng khi những con cá sấu trưởng thành xổng chuồng, lọt vào các cánh đồng lúa lân cận.

"Đây có thể là bài học kinh nghiệm về cách xử lý các loài động vật nguy hiểm trong thảm họa thiên nhiên", ông Patarapol Maneeorn, bác sĩ thú y thuộc Cục Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật Thái Lan, nói.

Hình ảnh cuối cùng của đàn cá trước khi bị tiêu hủy. Ảnh: Khaosod

Natthapak cho biết thêm 125 con cá sấu bị tiêu hủy được bán riêng phần da, còn thịt được nướng rồi bán. Trang trại của anh cũng kinh doanh thịt bò, lợn nướng từ lâu.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán cá sấu nướng, có thể là bên đầu tiên làm món này ở Thái Lan. Thịt cá sấu từng không được người Thái Lan hưởng ứng, hiện được chấp nhận nhiều hơn. Nhưng giờ đây nhìn ao cá sấu trống rỗng, tôi cũng cảm thấy hơi hụt hẫng", anh nói, song không chia sẻ liệu bức tường cuối cùng có bị sập hay không.

Quần thể cá sấu xiêm hoang dã ở Thái Lan giảm mạnh do nạn săn bắt và các hoạt động chăn nuôi quy mô lớn, ước tính chỉ còn vài trăm con sống trong môi trường tự nhiên.

Ngành công nghiệp nuôi cá sấu ở Thái Lan tạo doanh thu 180-210 triệu USD mỗi năm, làm nổi bật quan hệ phức tạp giữa nhu cầu bảo tồn và hoạt động kinh doanh thương mại.

Đức Trung (Theo Khaosod, Bangkok Post, Thairath)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020