Chuyên mục  


Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 10/10 dẫn lời hàng loạt quan chức Arab giấu tên cho biết Iran đã gửi thông điệp qua kênh ngoại giao bí mật đến Jordan, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Qatar, cảnh báo họ sẽ bị nhắm mục tiêu nếu tạo điều kiện cho Israel thực hiện chiến dịch trả đũa.

Cảnh báo của Iran tương đối mơ hồ, song vẫn làm dấy lên lo ngại nguy cơ hàng loạt cơ sở dầu khí quan trọng ở Vùng Vịnh phải hứng chịu đòn tấn công. Các căn cứ quân sự và lực lượng Mỹ đồn trú tại Trung Đông cũng đối mặt với rủi ro.

Theo nhóm quan chức giấu tên, những quốc gia trên đã thông báo với chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng họ không muốn Mỹ, Israel sử dụng hạ tầng quân sự hoặc không phận cho các chiến dịch nhằm vào Iran.

Một số quốc gia tại khu vực Trung Đông. Đồ họa: BBC

Mỹ, Israel, Iran và các quốc gia Trung Đông liên quan chưa bình luận về thông tin trên.

Các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên xác nhận một số đối tác tại Trung Đông nói rằng họ không muốn tiêm kích Israel bay qua không phận, cũng như không chấp nhận quân đội Mỹ triển khai chiến dịch tấn công từ lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ đồn trú tại những nước này vẫn được tự vệ nếu đối mặt những đòn tấn công từ bên ngoài.

Một quan chức Mỹ thêm rằng các nước Arab chưa đưa ra đề nghị chính thức về vấn đề này, nhấn mạnh chính quyền sở tại từng nhiều lần thay đổi hạn chế với hoạt động của quân đội Mỹ kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát.

Tuy nhiên, những quốc gia Arab gần đây tỏ ra quyết liệt hơn khi xung đột lan rộng thành va chạm trực tiếp giữa Iran và Israel, cũng như Tel Aviv đẩy mạnh không kích các mục tiêu Hezbollah và mở chiến dịch trên bộ ở miền nam Lebanon.

Xung đột leo thang tại Trung Đông cũng làm gia tăng căng thẳng giữa các nước Arab với Israel. Một số nước từng giúp Washington và Tel Aviv đối phó đòn tấn công bằng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái của Tehran hồi tháng 4, nhưng ủng hộ đòn tấn công trả đũa của Israel nhằm vào lãnh thổ Iran được coi là bước đi quá xa.

Tên lửa đạn đạo Khorramshahr-4 của Iran rời bệ phóng trong cuộc thử nghiệm tháng 5/2023. Ảnh: AP

Các nước Arab đóng vai trò trung gian giữa Israel và Iran cũng đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng bằng kênh liên lạc bí mật mở từ hồi tháng 4. Hoạt động trên kênh này càng được tăng cường sau khi Israel hạ sát thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah và đột kích miền nam Lebanon.

Thông điệp cảnh báo của Iran cho thấy rủi ro mà Mỹ đối mặt nếu đòn trả đũa qua lại giữa Israel và Iran vượt tầm kiểm soát. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này đang bổ sung lực lượng ở Trung Đông, trong đó có triển khai thêm tiêm kích và duy trì hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln trong khu vực.

Nguyễn Tiến (Theo WSJ, AFP, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020