Chuyên mục  


Tổ chức của Nạn nhân Bom nguyên tử và Bom khinh khí (Nihon Hidankyo), phong trào cơ sở của những nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki của Nhật, hay còn gọi là Hibakusha, đã giành giải Nobel Hòa bình năm nay.

Ngọn lửa tại lễ kỷ niệm 78 năm vụ ném bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima. Ảnh: Jiji Press

"Hibakusha được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, và vì đã cho thấy thông qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không được sử dụng bất cứ lần nào nữa", Jorgen Watne Frydnes, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, hôm nay cho biết.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, các thành viên của Hibakusha, những người đã chứng kiến hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945, đã cống hiến cả đời cho cuộc đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

"Hibakusha giúp chúng tôi mô tả những điều không thể diễn tả, nghĩ những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó thấu hiểu nỗi đau, sự thống khổ không thể lý giải mà vũ khí hạt nhân gây ra", Chủ tịch Frydnes nêu thêm.

Sau khi quyết định được công bố, Toshiyuki Mimaki, đồng chủ tịch Nihon Hidankyo, cho rằng đây sẽ là "động lực lớn để cho thế giới thấy rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều có thể làm được". Ông Mimaki vừa nói vừa khóc, cho hay "chưa bao giờ mơ tới ngày giành được giải Nobel Hòa bình".

Toshiyuki Mimaki, đồng chủ tịch Nihon Hidankyo. Ảnh: Guardian

Ủy ban Nobel thường tập trung vào vấn đề vũ khí hạt nhân. Hồi năm 2017, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân vì nỗ lực của họ nhằm đạt hiệp ước cấm loại vũ khí này.

Giải Nobel Hòa bình trị giá 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD), sẽ được trao tại Oslo vào ngày 12/12.

*Tiếp tục cập nhật

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020