Chuyên mục  


Ủy ban Nobel Na Uy sẽ thông báo người hoặc tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình 2024 vào lúc 11h ngày 11/10 (16h giờ Hà Nội). Giải Nobel Hòa bình năm nay được chú ý trong bối cảnh thế giới đang bị bủa vây bởi xung đột vũ trang, khủng hoảng khí hậu và mất an ninh lương thực, như chiến sự ở Ukraine, Trung Đông, nạn đói ở Sudan.

Giải Nobel Hòa bình năm nay có 286 ứng viên, gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức được đề cử. Danh sách đề cử được giữ bí mật trong 50 năm, nhưng người hoặc tổ chức đề cử được phép tiết lộ ứng viên của họ.

Bản sao mặt trước và sau huy chương Nobel Hòa bình tại Viện Nobel Na Uy, Oslo, Na Uy ngày 25/9. Ảnh: AFP

Ủy ban Hòa bình Na Uy dự đoán giải có thể thuộc về Cơ quan Liên Hợp Quốc vì người tị nạn Palestine (UNRWA), trong bối cảnh chiến sự Israel - Hamas có nguy cơ đẩy Trung Đông chìm trong xung đột. UNRWA đang viện trợ cho hàng triệu người Palestine ở Gaza, Bờ Tây và các nước gần đó.

"Trao Nobel Hòa bình cho UNRWA sẽ là sự ghi nhận mạnh mẽ cho nỗ lực của tổ chức giữa tình thế khó khăn về cả chính trị và kinh tế", theo Ủy ban Hòa bình Na Uy. Nhưng động thái này có thể khiến Israel phẫn nộ, bởi Tel Aviv cáo buộc UNRWA hỗ trợ Hamas ở Gaza.

Ứng viên tiềm năng khác là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), với nhiệm vụ giải quyết xung đột giữa các quốc gia trong phòng xử án thay vì chiến trường. ICJ, trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc. ICJ đã phán quyết Nga phải dừng chiến dịch ở Ukraine và Israel ngừng chiến dịch ở Rafah, miền nam Gaza.

Sử gia Asle Sveen, chuyên gia về Nobel, lại cho rằng giải thưởng năm nay nên thuộc về Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và có thể kèm một cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Theo TIME, một số cái tên tiềm năng khác cho giải năm nay còn có Phòng Ứng phó Khẩn cấp Sudan, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Ủy hội châu Âu, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trụ sở ICJ ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Reuters

Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12. Người nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (hơn một triệu USD).

Nobel Hòa bình được lựa chọn bởi một ủy ban gồm 5 người do quốc hội Na Uy lựa chọn. Theo di chúc của nhà sáng lập Alfred Nobel, nó được trao cho những cá nhân đã nỗ lực xây dựng "tình anh em" giữa các quốc gia, giảm bớt chạy đua quân sự và tổ chức các sự kiện hòa bình.

Giải thưởng sau đó được mở rộng để thu hút mọi hình thức vận động, từ các tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đến nhóm các bác sĩ giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực tình dục.

Nobel Hòa bình luôn được dư luận quan tâm bởi thông điệp mà nó có thể gửi đến thế giới. Năm 2023, giải được trao cho nữ nhà hoạt động, nhà báo người Iran Narges Mohammadi. Năm 2022, giải thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Ukraine.

Nobel Hòa bình năm 2021 được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận". Năm 2020, giải được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực chống nạn đói và đóng góp cho hòa bình thế giới.

Như Tâm (Theo AFP, TIME)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020