Chuyên mục  


26-6-phan-bon-1read-only-1719331076427647257627.jpg

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng việc áp mức 5% thuế VAT với phân bón sẽ làm tăng gánh nặng cho nông dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc đưa phân bón vào nhóm hàng chịu mức 5% thuế VAT sẽ tạo thêm gánh nặng cho nông dân, bởi nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng. Hơn nữa, việc áp thuế VAT với phân bón trong khi Chính phủ đang giảm 2% thuế VAT với nhiều mặt hàng là điều không phù hợp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo Luật Giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó đưa phân bón vào nhóm mặt hàng chịu mức 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) thay vì không chịu loại thuế này như thời gian qua.

* Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh):

Hàng triệu hộ nông dân sẽ bị ảnh hưởng

Dự Luật Thuế VAT đã đề xuất quy định phân bón là đối tượng phải chịu thuế VAT với thuế suất 5%, thay vì không phải chịu thuế như quy định hiện hành, với nội dung đã trình là chưa thật sự mang tính thuyết phục cao. Bởi thuế VAT là một loại thuế gián thu và người tiêu dùng hàng hóa phải chịu thuế.

Nếu luật này được thông qua, người nông dân phải chịu thêm 5% thuế VAT với lượng phân bón sử dụng. Mặt khác, việc đưa phân bón từ không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5%, trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt và Chính phủ vẫn tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT cho nhiều loại hàng hóa, chắc chắn sẽ tác động đến thu nhập của hàng triệu hộ nông dân và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Trong thực tế, mặt hàng phân bón từng là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất VAT là 5%. Nhưng sau khi nghiên cứu thực tiễn trên cơ sở hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận rất kỹ để ban hành luật và từ ngày 1-1-2015 mặt hàng phân bón không còn là đối tượng phải chịu thuế VAT.

Dù vậy, trong suốt 10 năm triển khai thực hiện, cứ mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, các đoàn đại biểu, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có vùng ĐBSCL, đều được nghe nông dân phản ánh là "giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, đề nghị Nhà nước nghiên cứu có giải pháp quản lý và hỗ trợ"...

Trong khi đó, Quốc hội lại thảo luận để "bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5%" chắc chắn sẽ làm cho người nông dân càng thêm lo lắng hơn. Do vậy, tôi đề nghị phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5%.

Đề nghị không tăng thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào dự luật là đối tượng được khấu trừ thuế VAT đầu vào...

* Đại biểu TRẦN ANH TUẤN (TP.HCM):

Nếu áp thuế VAT, chỉ nên áp mức 0%

Việc áp thuế VAT với phân bón là việc cần thiết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế đầu vào, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể giảm giá bán các sản phẩm phân bón.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế VAT không đồng nghĩa với việc giảm giá bán sản phẩm, việc giảm giá hay không còn phụ thuộc vào cung - cầu hàng hóa hay còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong ngắn và dài hạn, chúng ta vẫn phải thiết kế nhiều chính sách để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, có lẽ việc ưu tiên chính sách đánh thuế nhưng áp mức thuế 0% là phù hợp.

Điều này giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tốt được sự canh tranh về giá thành sản xuất, nông dân ít chịu thêm áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào (phân bón).

Nhà nước có thể phải hoàn một khoản thuế VAT cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu ngành nông nghiệp phát triển mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngân sách sẽ được thu thêm nhiều khoản.

* Ông VŨ DUY HẢI (tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam):

Áp thuế VAT để giảm giá phân bón là khiên cưỡng

Thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, áp thuế VAT nhà sản xuất được khấu trừ VAT đầu vào giúp giảm giá thành sẽ giảm giá bán là khiên cưỡng. Trong lúc khó khăn như hiện nay, việc kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đối với các mặt hàng chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng. Giờ lại áp thuế VAT lên phân bón, mà nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng, là chưa phù hợp.

Còn nói không áp thuế có lợi cho phân bón nhập khẩu là không đúng thực tế. Các nước sản xuất phân bón xuất khẩu sang Việt Nam cũng chịu thuế, thậm chí nhiều mặt hàng phân bón nhập vào Việt Nam còn bị đánh thuế nhập khẩu hoặc thuế phòng vệ. Tại sao giá phân bón nhập vẫn thấp và cạnh tranh được với chúng ta? Vì họ luôn cải tiến kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý và không có những chi phí khác.

Giá bán theo cơ chế thị trường, quyết định bởi cung - cầu. Do vậy, nói áp thuế VAT để giảm chi phí đầu vào, nông dân hưởng lợi... chắc là chuyện trên tivi. Tóm lại, tôi không phản đối việc áp thuế VAT cho phân bón, nhưng lý luận để bảo vệ việc áp thuế VAT cho phân bón thực sự là không đúng, không vì dân như thuyết trình.

Nên chăng, để hài hòa quyền lợi các bên, nên quy định áp thuế VAT với phân bón bằng 0 sẽ hay hơn là không có thuế VAT.

su-dung-phan-bon-3read-only-171933107642589552328.jpg

Trong khi kinh tế vẫn đang khó khăn, Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuê VAT với nhiều mặt hàng, việc đề xuất áp thuế VAT với phân bón là không hợp lý - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Không nên áp thuế VAT với phân bón

Việc đưa mặt hàng phân bón vào nhóm chịu thuế VAT sẽ giúp hạ giá thành (sản xuất) vì yếu tố đầu vào được khấu trừ thuế. Tuy nhiên việc này chưa chắc giảm giá bán, bởi còn phụ thuộc vào thị trường thế giới và nhiều yếu tố khác tác động cơ cấu giá bán.

Khi giá phân bón trên thị trường thế giới giảm, doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cạnh tranh; ngược lại khi giá phân bón trên thế giới tăng, không thể ép doanh nghiệp trong nước giảm giá. Nếu không được khấu trừ thuế đầu vào, doanh nghiệp trong nước kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp nhập khẩu (được các nước khấu trừ thuế).

Thế nhưng, nếu áp thuế 5% lên mặt hàng này, người nông dân sẽ chịu ảnh hưởng. Còn nếu áp mức thuế 0%, Nhà nước phải bỏ ra khoản bù cho mức khấu trừ của doanh nghiệp. Như vậy, cần một giải pháp làm sao dung hòa được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo tôi, nên giữ nguyên quy định như hiện tại và tìm giải pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Khi đó, người nông dân không phải chịu thêm áp lực thuế. Tuy nhiên, phải thiết kế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón để giám giá thành sản xuất như ưu đãi lãi suất vay, tiền thuê đất... Trong tương lai, khi kinh tế phát triển, sẽ phải tính toán lại chính sách thuế cho phù hợp lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020