Chuyên mục  


Xung đột Nga - Ukraine, với sự hiện diện ngày càng phổ biến của phương tiện bay không người lái (drone), đang làm biến đổi hình thức tác chiến hiện đại một cách nhanh chóng.

Trên chiến trường truyền thống, xe tăng được coi là một trong những khí tài chủ lực, biểu tượng cho của sức mạnh quân sự nhiều nước. Nhưng sự phổ biến và mức sát thương ngày càng cao của drone ở Ukraine có thể thay đổi vai trò cũng như cách sử dụng phương tiện chiến đấu này.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, lực lượng Nga trong hai tháng qua tiêu diệt 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams mà nước này viện trợ cho Ukraine. Đại tá Áo Markus Reisner cho biết ít nhất ba chiếc M1 Abrams khác bị hư hại ở mức độ vừa phải kể từ khi Ukraine đưa mẫu xe tăng chủ lực này ra tiền tuyến vào đầu năm nay.

M1 Abrams được ca ngợi là một trong những mẫu xe tăng chủ lực hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, việc lực lượng Nga hạ M1 Abrams một cách dễ dàng bằng drone tự sát "cho thấy cách cuộc xung đột này đang định hình lại bản chất của tác chiến hiện đại", theo chuyên gia Can Kasapoglu thuộc Viện Hudson có trụ sở tại Mỹ.

nga-pha-huy-them-xe-tang-abrams-xe-pha-min-trieu-do-cua-ukra-1709517921.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X6idFHsJGuB7Y9684GY-Yw
Nga phá hủy thêm xe tăng Abrams, xe phá mìn triệu đô của Ukraine

Xe tăng Abrams và xe phá mìn ABV Ukraine bị phá hủy ngày 3/3. Video: RIA Novosti

Dù sở hữu sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, khả năng đột kích mạnh mẽ cùng lớp bảo vệ vững chắc, xe tăng không phải phương tiện chiến đấu bất khả xâm phạm. Các vị trí dễ tổn thương nhất trên xe tăng là nơi có giáp mỏng như nóc xe, khoang động cơ phía sau và khe hở giữa tháp pháo với thân xe.

Trong hàng chục năm qua, xe tăng được thiết kế, cải tiến để đối phó với mìn chống tăng, thiết bị nổ tự chế, súng chống tăng và tên lửa dẫn đường. Các loại giáp ngày càng hiện đại giúp xe tăng bảo vệ khung thân tốt hơn trước hỏa lực của đối phương.

Nhưng các nhà sản xuất xe tăng chưa lường được sẽ có ngày drone góc nhìn thứ nhất (FPV) sẽ trở thành vũ khí chống tăng phổ biến hàng đầu, thậm chí còn chính xác hơn tên lửa chống tăng. Drone FPV có camera truyền hình ảnh trực tiếp về cho người điều khiển, giúp họ lái chúng lao vào vị trí dễ tổn thương nhất trên xe tăng.

Trong một số trận đánh, FPV được điều đến để kết liễu xe tăng trúng mìn hoặc tên lửa chống tăng, khiến chúng nằm bất động trên chiến trường và không thể đưa về hậu tuyến. Lực lượng Nga dùng chiến thuật này trong trận đánh hạ chiếc M1 Abrams đầu tiên của Ukraine gần Avdeevka ngày 26/2.

Tùy thuộc vào kích cỡ và mức độ tinh vi, một chiếc drone tự sát có thể chỉ có giá khoảng 500 USD. Đây là khoản đầu tư nhỏ để diệt một xe tăng chủ lực M1 Abrams với giá lên tới 10 triệu USD mỗi chiếc.

Một số mẫu drone còn có thể mang theo đạn chống tăng hoặc đạn nổ lõm để tăng khả năng hạ mục tiêu. Trong nhiều trận đánh, FPV còn chui qua cửa sập vào trong tháp pháo xe tăng rồi phát nổ.

Xe tăng Abrams đứt xích trong ảnh công bố ngày 3/3. Ảnh: RIA Novosti

Vài tuần sau khi nhận 31 chiếc M1 Abrams, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng 11/2023 thừa nhận mẫu xe tăng chủ lực này "khó có thể đóng vai trò quan trọng nhất trên chiến trường do số lượng quá ít".

Một số quan chức và chuyên gia cho rằng các chỉ huy Ukraine lên kế hoạch để dành số xe tăng M1 Abrams cho chiến dịch tiến công trong tương lai vào năm 2025, do đó phản đối đưa chúng ra tiền tuyến để tránh gây tổn thất cho số phương tiện chiến đấu hiếm hoi này.

Lữ đoàn Cơ giới số 47 Ukraine vận hành số xe tăng M1 Abrams nói trên và tới tăng viện cho lực lượng cố thủ tại Avdeevka. Tuy nhiên, lữ đoàn 47 thất bại trong nhiệm vụ giữ thành trì Avdeevka và để mất ít nhất 5 chiếc M1 Abrams trong giao tranh với Nga tại khu vực.

Theo giới chuyên gia, drone Nga có thể hạ xe tăng M1 Abrams của lữ đoàn 47 Ukraine vì đơn vị này không có pháo phòng không tầm ngắn như tổ hợp Gepard mà Đức chế tạo, vốn đang làm nhiệm vụ bảo vệ Kiev và một số đô thị quan trọng khác của Ukraine.

FPV có thể bị hạ bằng thiết bị gây nhiễu cắt đứt kết nối với người vận hành, súng trường hoặc thậm chí lưới đánh cá. "Phương tiện hiệu quả nhất được sử dụng để đánh bại FPV lúc này là tác chiến điện tử và các loại lớp bảo vệ thụ động khác", theo Michael Kofman, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Mỹ.

Ngoài giáp lồng, lực lượng Nga gần đây chế tạo giáp mai rùa, một số có cụm thiết bị gây nhiễu chống drone bên trên, và lắp cho những chiếc xe tăng dẫn đầu đoàn phương tiện cơ giới tấn công vị trí đối phương. Ukraine cũng áp dụng một số biện pháp chống drone và được đánh giá dần thành thạo hơn trong hoạt động này.

Xe tăng Nga với giáp mai rùa và cụm tác chiến điện tử trên nóc trong ảnh công bố ngày 16/4. Ảnh: X/Kherson Cat

Tuy nhiên, Ukraine tước đi lưới phòng không của xe tăng trên tiền tuyến khi điều pháo Gepard và những loại tên lửa tầm ngắn khác, vốn dành cho khu vực này, về bảo vệ các đô thị và hạ tầng trọng yếu trước đòn tập kích tầm xa của Nga.

Một số binh sĩ Ukraine cho biết họ hiếm khi dùng tên lửa phòng không hoặc các tổ hợp tên tiến để đối phó FPV do cần chúng để hạ trực thăng, chiến đấu cơ của Nga.

Nhiều chuyên gia hoài nghi hiệu quả của những vũ khí này trong đối phó với drone, do chúng quá nhỏ và nhanh khiến đạn tên lửa khó đánh trúng hoặc radar không phát hiện được.

David van Weel, trợ lý Tổng thư ký NATO phụ trách các hình thái tác chiến mới, cho biết quân đội một số nước đang thử nghiệm vũ khí laser có thể hạ drone. Loại vũ khí này dùng chùm tia laser năng lượng cao đốt cháy mục tiêu, có khả năng đánh trúng mục tiêu cỡ nhỏ như FPV và chi phí vận hành rẻ hơn những hệ thống truyền thống.

Tuy nhiên, ông van Weel nhận định việc phát minh ra các biện pháp đối phó nhằm vô hiệu hóa vũ khí laser chỉ là vấn đề thời gian, giống như tất cả hình thức tác chiến kiểu mới khác.

Kể từ khi xe tăng xuất hiện trên chiến trường, quân đội nhiều nước tìm tòi phương pháp mới để hạ phương tiện chiến đấu này. Một số chuyên gia cho rằng FPV có thể không khiến xe tăng chủ lực như M1 Abrams, Leopard hay T-72, T-90 trở nên lỗi thời, bởi các quân đội vẫn cần chúng để đột kích và chiếm lĩnh các vị trí quan trọng.

Dù vậy, drone chứ không phải là xe tăng mới là yếu tố quan trọng có thể thay đổi chiến trường tương lai. Nó có thể thúc đẩy hình thức tác chiến từ hầm ngầm, khi binh sĩ ngồi trong công sự ngầm điều khiển drone tác chiến với nhau, thay vì trực tiếp xung trận.

Nguyễn Tiến (Theo Yahoo News, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020