Cuối năm ngoái, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp để cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Quy định này được thực hiện theo Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022. Nhưng đến cuối 2023 mới gần 18% cây xăng bán lẻ trên cả nước thực hiện, chủ yếu của Petrolimex, Saigon Petro. Còn lại hầu hết cây xăng của doanh nghiệp bán lẻ tư nhân chưa xuất hóa đơn từng lần bán, kết nối với cơ quan thuế như yêu cầu.
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), doanh nghiệp có hệ thống cây xăng tại Thanh Hóa, Hưng Yên và Thái Nguyên, cho biết hiện vẫn khảo sát các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ để chọn đối tác phù hợp.
Theo ông, để phát hành được hóa đơn điện tử theo từng lần bán, doanh nghiệp phải lắp các thiết bị đồng bộ như trụ bơm, cột bơm điện tử, kết nối dữ liệu với máy tính. Trong khi đó, việc lắp thêm các thiết bị đo lường mới chưa rõ ảnh hưởng ra sao, có vi phạm các quy định về đo lường của Bộ Khoa học & Công nghệ hay không.
Vì thế, chủ doanh nghiệp này kiến nghị được lùi thời gian xuất hóa đơn điện tử, kết nối cơ quan thuế trong quý II năm nay, tức thêm 6 tháng so với thời hạn cơ quan quản lý đưa ra.
Nhân viên trạm xăng dầu trên trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức (TP HCM) bơm nhiên liệu cho khách hàng, tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai cũng cho rằng cần có lộ trình cụ thể, dài hơn để các doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu. "Trước mắt nên thí điểm việc xuất hóa đơn này tại các đơn vị có tiềm lực, hệ thống cửa hàng tập trung ở các đô thị, sau đó mở rộng tới vùng nông thôn, miền núi", ông Phụng nêu.
Cùng quan điểm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nói việc áp dụng công nghệ phải tùy thuộc nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Chưa kể, họ cũng cần thời gian chuẩn bị nhân lực đáp ứng công việc. "Cơ quan quản lý nên thực hiện vào thời gian thích hợp, bởi hầu hết đơn vị bán lẻ xăng dầu lúc này thua lỗ, không còn khả năng đầu tư thiết bị", ông nói.
Ông đề xuất trước mắt có thể áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp lớn, vốn trên 50 tỷ đồng. Chính phủ sẽ giám sát, công khai số liệu, hiệu quả của những đơn vị này trong 24 tháng để chứng thực cho doanh nghiệp bán lẻ về lợi ích và hiệu quả kinh tế, chống thất thu thuế trước khi áp dụng rộng rãi.
Thời gian gấp rút cũng là một trong vướng mắc với đơn vị cung cấp giải pháp. Đại diện VNPT - một trong số đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ - cũng kiến nghị Tổng cục Thuế nới thời gian áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán thêm 6 tháng để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Thực tế, hiện có nhiều phương án từ các đơn vị cung cấp giải pháp để thực hiện xuất hóa đơn từng lần. Doanh nghiệp có thể mua hệ thống phần mềm quản lý kết nối cột bơm điện tử, lắp camera AI để đọc dữ liệu rồi đưa lên phần mềm hóa đơn điện tử. Hoặc doanh nghiệp có thể dùng máy Pos cầm tay, sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Nhưng điều họ băn khoăn là liệu thực hiện giải pháp có đúng không, khi cơ quan quản lý chưa hướng dẫn rõ ràng.
Ở điểm này, Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp đề xuất, cơ quan thuế gia hạn thời gian và đưa ra lộ trình áp dụng. Ngành thuế cũng cần xây dựng một phần mềm kết nối hóa đơn điện tử và kế toán, để áp dụng thống nhất tại các doanh nghiệp.
Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, ngành thuế khẳng định đơn vị bán lẻ xăng dầu vẫn phải thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán. Song một số địa phương như Hà Tĩnh, cho phép các cây xăng chưa hoàn thành xuất hóa đơn điện tử từng lần bán vào cuối 2023, được kéo dài đến hết quý I/2024 (tức có thêm ba tháng để chuẩn bị). Theo thống kê, tỉnh này có 82 doanh nghiệp với 222 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. 100% cửa hàng đã triển khai hóa đơn điện tử nhưng chỉ có 35% xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, số còn lại đang nâng cấp hạ tầng hoặc chưa triển khai.
Tuy vậy, tại hội nghị ngành tài chính cuối năm ngoái, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải nghiêm túc thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử từng lần bán cho khách hàng. Trường hợp không thực hiện, ông yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra và xử lý theo pháp luật.
Phương Dung