Chuyên mục  


mat-bang-hcm-ngoc-hien-5-16855014837411707990591-250-0-1500-2000-crop-168550251241036161626.jpg

Năm 2023, nhiều mặt bằng ở các tuyến đường lớn của TP.HCM bị trả lại, để trống - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM vừa có báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM quý 4-2023.

Ngoài việc nêu bức tranh tổng quan về kinh tế TP.HCM năm 2023, báo cáo đưa ra dự báo và phác họa kịch bản tăng trưởng cho ngành công nghiệp, ngành thương mại dịch vụ và toàn nền kinh tế TP.HCM.

Lãi suất giảm mạnh nhưng vốn không được hấp thụ

Nhóm nghiên cứu nhận định dù có sự phục hồi nhẹ ở một số khu vực kinh tế, nhưng khó khăn sẽ tiếp tục ít nhất đến cuối quý 2-2024. Mục tiêu ưu tiên trong 6 tháng tới nên được cân nhắc là bình ổn.

Đáng chú ý nhất trong báo cáo lần này là phần về hoạt động ngân hàng, nhóm nghiên cứu nhận định lãi suất liên tục giảm nhưng tín dụng tại TP.HCM không tăng như kỳ vọng.

Theo đó, suốt năm 2023, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm liên tục, thậm chí giảm sâu so với trước dịch COVID-19 tại thời điểm tháng 12-2023 nhưng vốn vẫn không được hấp thụ.

Chứng tỏ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM không có nhu cầu, cũng như chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản có tác động trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, theo khảo sát của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân), trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Điều này cũng khiến tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm không được như kỳ vọng.

Báo cáo dẫn chứng, tháng 6-2023, lãi suất kỳ hạn ngắn (từ 1 tháng đến 9 tháng) dao động từ 4,1% đến 5,5% so với mức lãi suất 4,6% đến 5,7% hồi đầu năm, giảm gần 0,5 điểm phần trăm nhưng cung tín dụng không cải thiện như kỳ vọng.

Dư nợ trên địa bàn TP.HCM đạt trên 3.339 nghìn tỉ, tăng 4,58% so với cuối năm 2022 và tăng 8,29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ bằng hơn 1/3 so với cùng kỳ 2022.

Đến tháng 9-2023, nhu cầu vay vốn tiếp tục yếu khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng chậm hơn năm ngoái và có xu hướng thấp hơn so với bình quân chung cả nước.

Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9-2023 ước đạt 3.365 nghìn tỉ, tăng 0,03% so với cuối năm và tăng 6,69% so với cùng kỳ.

Tính đến 30-11-2013, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM đạt 3.402 nghìn tỉ, tăng gần 1% so với tháng trước đó và tăng 6,27% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong những năm gần đây.

Doanh nghiệp không thích nghi sẽ bị sàng lọc

base64-16903877142001242994371-1704264101372838607442.png

Sau khi Chính phủ yêu cầu có giải pháp giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã công bố các gói lãi suất ưu đãi, với lãi suất cho vay phổ biến từ 7,5 - 8,5%/năm, thấp nhất chỉ còn 5%/năm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo nhóm nghiên cứu, kinh tế TP.HCM có thể chứng kiến những cuộc sàng lọc tự nhiên chưa từng có trong năm nay khi mà các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi đang dần đến hạn.

Các doanh nghiệp được khuyến nghị nhanh chóng tái kích hoạt hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu nợ để tận dụng cơ hội từ mức lãi suất thấp hiện tại. Sáu tháng tới được đánh giá là giai đoạn quan trọng để đẩy mạnh quá trình phục hồi.

Những doanh nghiệp không kịp thích nghi có thể phải đối mặt với quá trình sàng lọc tự nhiên. Các chính sách hỗ trợ, gồm cả tiền tệ và tài khóa, nhiều khả năng không còn được duy trì ở mức ưu đãi như hiện nay.

Trong tương lai trung hạn, cơ hội tương tự sẽ trở nên hiếm hoi do những khó khăn trong việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại.

Áp lực từ việc huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền cho các dự án đầu tư công, cùng với tình trạng thâm hụt ngân sách, có thể gây ra sự tăng lãi suất trong thời gian ngắn, tiềm tàng ảnh hưởng làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân (điều phối chuyên môn của nhóm nghiên cứu) cho rằng TP.HCM cần tập trung các giải pháp sang hỗ trợ phía cầu để tranh thủ tác dụng của chính sách lãi suất thấp trong ngắn hạn.

Bà cũng khuyến nghị: "Các doanh nghiệp cũng nhanh chân lên, kích hoạt trở lại các hoạt động kinh doanh cũng như cấu trúc lại cơ cấu nợ để kịp thời khai thác lãi suất thấp lịch sử này. Nếu không sẽ chịu sự sàng lọc tự nhiên".

Nghị quyết 98 mở cơ hội thu hút các nguồn lực

Theo nhóm nghiên cứu, nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho TP.HCM phát huy vai trò trung tâm trong việc khơi dậy sức mạnh đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh từ cơ chế. Việc tận dụng nội lực cơ chế để thu hút ngoại lực sẽ góp phần quan trọng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng để nghị quyết sớm phát huy tác động lan tỏa, các đại học và các tổ chức giáo dục - đào tạo đang hiện hữu tại TP.HCM cần phát huy vai trò “khởi động” và vai trò “đầu tàu”.

Theo đó, chủ động phát động các chương trình, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nhà trường nhằm thu hút khu vực doanh nghiệp tư cùng tham gia, qua đó từng bước tăng cường hợp tác giữa hai khu vực công và tư.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020