NATO ngày 3/1 thông báo các nước thành viên Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa Patriot trị giá 5,5 tỷ USD. Cơ quan mua sắm của NATO sẽ hỗ trợ các nước trong thương vụ này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái, gọi đây là khoản đầu tư kịp thời nhằm tăng cường an ninh của liên minh.
"Các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga nhằm vào Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hệ thống phòng không hiện đại. Tăng cường sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine cũng như của chúng ta", ông Stoltenberg nói.
Hai bệ phóng được sử dụng trong khóa huấn luyện cho binh sĩ Ukraine về hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại căn cứ Bundeswehr, Đức, hôm 1/12. Ảnh: AFP
Các thành viên NATO như Mỹ, Đức đã gửi các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine để đối phó với các tên lửa siêu vượt âm của Nga. Tuy nhiên, việc chuyển tên lửa cho Ukraine đã khiến nguồn dự trữ của phương Tây cạn kiệt và buộc Mỹ phải chuyển sang các đồng minh như Nhật Bản để nhờ bổ sung kho dự trữ.
Cơ quan mua sắm của NATO cho biết hợp đồng sẽ dẫn tới việc thành lập một cơ sở sản xuất tên lửa ở Đức, thuộc liên doanh giữa tập đoàn MBDA của nước này với Raytheon, một phần của tập đoàn RTX Mỹ.
"Châu Âu sẽ tự sản xuất 1.000 tên lửa phòng không Patriot. Điều này cho thấy sự hợp tác của châu Âu sẽ dẫn tới thành công vững chắc", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren viết trên mạng xã hội.
Mỗi tên lửa Patriot có giá khoảng 4 triệu USD. Theo NATO, thỏa thuận mua 1.000 tên lửa Patriot còn bao gồm các yếu tố khác như thiết bị thử nghiệm và phụ tùng thay thế để bảo trì trong tương lai.
Patriot là tên lửa phòng không do nhà thầu Mỹ Raytheon sản xuất và được quân đội Mỹ biên chế từ năm 1981. Biến thể Patriot PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và bay cao hơn 32 km. Phiên bản mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Ngọc Ánh (Theo AFP)