Chuyên mục  


Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) hôm nay công bố nội dung điện đàm đầu tiên của thiếu tá Genki Miyamoto, cơ trưởng và người duy nhất sống sót trên chiếc Bombardier DHC-8-315, sau vụ va chạm với máy bay chở khách A350 của Japan Airlines tại sân bay Haneda trước đó một ngày.

"Máy bay phát nổ trên đường băng. Tôi đã thoát hiểm. Không rõ tình trạng của những đồng đội trên máy bay", thiếu tá Miyamoto, 39 tuổi, nói qua điện đàm với sở chỉ huy tại sân bay Haneda.

Cảnh sát biển Nhật Bản xác nhận 5 người còn lại đều thiệt mạng, gồm phi công phụ, chuyên viên điện đài, chuyên viên vận hành radar tuần thám, cơ giới trên không và kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay. Thi thể 5 người này đã được tìm thấy tại hiện trường nơi chiếc Bombardier cháy rụi.

Chiếc Bombardier của JCG khi đó đang chạy trên đường lăn để chuẩn bị cất cánh thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng hỗ trợ nạn nhân động đất ở miền trung Nhật Bản. Tuy nhiên, khi nó tiến vào đường băng cũng là lúc máy bay của Japan Airlines chở 379 người hạ cánh, gây ra vụ va chạm lớn.

Lực lượng cứu hộ vây quanh xác máy bay DHC-8-315 sau vụ tai nạn ở sân bay Haneda hôm 2/1. Ảnh: AFP

Đài truyền hình Nhật Bản NHK hôm nay dẫn lời quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch nói rằng vụ tai nạn ở sân bay Haneda có thể xảy ra do "cơ trưởng JCG hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu".

Theo quan chức này, kiểm soát không lưu tại sân bay Haneda đã cho phép máy bay Japan Airlines hạ cánh và yêu cầu phi cơ Cảnh sát biển dừng chờ trên đường lăn sát đường băng để tránh nguy cơ va chạm.

Tuy nhiên, cơ trưởng Miyamoto dường như hiểu nhầm chỉ thị của kiểm soát viên không lưu và thông báo với sở chỉ huy JCG rằng đã được "cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh" ngay trước khi xảy ra tai nạn.

Thiếu tá Miyamoto, 39 tuổi, là cơ trưởng trên dòng DHC-8-315 từ đầu năm 2017 và được biên chế cho căn cứ Haneda từ tháng 4/2019. Phi công này đã tích lũy 3.641 giờ bay, trong đó hơn 1.149 giờ ở vị trí cơ trưởng.

Thiếu tá Miyamoto bên cạnh máy bay mã hiệu MA722. Ảnh: Học viện Cảnh sát biển Nhật Bản

Chiếc DHC-8-315 gặp nạn mang số đuôi JA722A và mã hiệu MA722, được đưa vào vận hành từ tháng 3/2009 và chưa từng gặp sự cố. Đây là tai nạn hàng không gây chết người đầu tiên của Cảnh sát biển Nhật Bản kể từ tháng 8/2010, thời điểm một trực thăng rơi ngoài khơi tỉnh Kagawa khiến 5 người thiệt mạng.

Vũ Anh (Theo Asahi, NHK, Sky News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020