Chuyên mục  


Sức mạnh dàn khí tài Mỹ triển khai để 'dằn mặt' Iran

Nhóm tác chiến USS Abraham Lincoln trên Địa Trung Hải hồi tháng 4. Video: US Navy.

Căng thẳng Mỹ - Iran gần đây gia tăng sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố nước này đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và 4 oanh tạc cơ chiến lược B-52 đến Trung Đông nhằm "gửi thông điệp" và đối phó những mối đe dọa lớn từ Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sau đó đáp trả cứng rắn, cho rằng Washington sẽ chỉ "thực hiện hành động tự sát" nếu khai chiến với Tehran. Những tuyên bố của cả hai bên làm dấy lên lo ngại Mỹ có thể phát động chiến dịch quân sự nhằm tung đòn phủ đầu vào Iran.

Chuyên gia Harry J. Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI) nhận định xung đột Mỹ - Iran nếu bùng phát sẽ xoay quanh khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Tehran, cũng như cách Washington vô hiệu hóa năng lực này.

Iran đã mạnh tay đầu tư xây dựng năng lực A2/AD để răn đe, ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Do luôn ở thế yếu nếu đối đầu quân sự trực diện với Mỹ, Iran quyết định theo đuổi giải pháp A2/AD phi đối xứng, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và chiến thuật du kích nhằm ngăn Mỹ triển khai lực lượng và di chuyển tự do trên biển.

Tehran nhiều khả năng sẽ tìm cách gây sức ép quân sự lên những quốc gia đồng minh với Mỹ ở Trung Đông, buộc họ từ chối cho Washington sử dụng các căn cứ ở Vùng Vịnh để phát động chiến dịch quân sự nhắm vào nước này. Phần lớn các mục tiêu quan trọng mang tính chiến lược của Arab Saudi, Qatar, UAE... đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Iran, khiến sức răn đe của Tehran tăng lên.

Nước này cũng có thể huy động lực lượng ủy nhiệm người Shiite ở khắp Tây Nam Á để tiến hành chống phá, nổi dậy ở các quốc gia thân cận với Mỹ. Những lực lượng này sẽ càng nguy hiểm nếu được Iran trang bị rocket, pháo, cối và tên lửa dẫn đường. Các nhóm dân quân như Hezbollah cũng có thể tiến hành chiến dịch quấy rối hậu phương Mỹ.

USS Abraham Lincoln huấn luyện trên Đại Tây Dương đầu năm 2019. Ảnh: US Navy.

Ngoài ra, Iran cũng có thể triển khai tên lửa đạn đạo và lực lượng ủy nhiệm tấn công trực tiếp căn cứ Mỹ ở Vùng Vịnh. Hải quân Iran sẽ tung đòn chớp nhoáng bằng hỏa lực tập trung từ các vũ khí dẫn đường tối tân ở eo biển Hormuz và Vịnh Oman. Lực lượng này được yểm trợ bởi các cuộc tập kích bằng tên lửa diệt hạm và xuồng không người lái vũ trang từ bờ biển Iran hoặc các đảo sát cửa Vịnh Ba Tư.

Để đối phó kịch bản này, Mỹ có thể phải áp dụng chiến dịch "chọc mù quy mô lớn". Trong giai đoạn đầu xung đột, quân đội Mỹ sẽ tìm cách làm suy yếu, phá vỡ kết nối và loại bỏ mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, do thám và trinh sát (C4ISR) đối phương, nhằm mở đường tấn công vào các hệ thống chỉ huy và radar cơ động của Iran.

Đòn tấn công từ tàu ngầm, vũ khí tác chiến điện tử và tấn công mạng có thể vô hiệu hóa radar cảnh báo sớm, hệ thống trinh sát trên biển và các sở chỉ huy Iran. Oanh tạc cơ Mỹ có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường tầm xa, trong khi các đơn vị đặc nhiệm xâm nhập lãnh thổ để phá hoại mạng lưới C4ISR đối phương.

Năng lực tác chiến vũ trụ và không gian mạng của Iran cũng là mối đe dọa không nhỏ với lực lượng Mỹ. Tehran có thể sử dụng các tổ hợp tác chiến điện tử nhằm vô hiệu hóa tín hiệu GPS và hệ thống C4ISR, loại bỏ khả năng dẫn đường cho nhiều loại vũ khí, thậm chí tấn công mạng nhằm ngăn Mỹ triển khai quân và thực hiện chiến dịch.

Một yếu tố quan trọng trong chiến dịch quân sự Mỹ là làm chủ không phận trong cuộc chiến. Phòng không Iran có thể ngụy trang, liên tục cơ động và sử dụng mồi bẫy để phục kích, trong khi không quân được trang bị nhiều máy bay hiện đại và mạng lưới hầm chứa kiên cố nằm sâu trong lãnh thổ, sẵn sàng tung đòn đánh bất ngờ vào các đội hình máy bay Mỹ.

Tiêm kích F-14 chủ lực của Iran. Ảnh: National Interest.

Để đối phó, Mỹ sẽ phải sử dụng tiêm kích tàng hình F-22, F-35 và oanh tạc cơ B-2 để tung đòn phủ đầu, vô hiệu hóa mạng lưới phòng không Iran trước khi những chiến đấu cơ cũ hơn tham chiến. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không quân Mỹ thiếu căn cứ tiền phương, trong khi hải quân không thể triển khai tàu sân bay gần bờ biển Iran.

"Xung đột Mỹ - Iran sẽ để lại những hậu quả nặng nề, nhất là khi Tehran có thể sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác trong khu vực để kiềm chế Iran, thay vì theo đuổi kịch bản phiêu lưu quân sự", chuyên gia Kazianis nhấn mạnh.

Duy Sơn (Theo National Interest)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020