Chuyên mục  


base64-17277648630081680030432.jpeg

Cử tri Phạm Văn Bao (ấp 1, xã Lê Minh Xuân) nói về dự án Sing - Việt chậm trễ - Ảnh: TIẾN LONG

Sáng 1-10, trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tổ đại biểu số 8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm thiếu tướng Đặng Văn Lẫm - phó tư lệnh Quân khu 7 và luật sư Trương Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - đã tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh.

Có làm không, nếu làm thì bao giờ làm?

Nhiều ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc bày tỏ bức xúc khi một số dự án đô thị, giao thông, tái định cư... trên địa bàn huyện Bình Chánh "treo" kéo dài hàng chục năm, gây khốn khổ trăm bề cho người dân.

Trong đó ý kiến người dân ở xã Lê Minh Xuân đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan thẩm quyền làm rõ cho người dân biết có làm dự án khu đô thị và khu tái định cư Sing - Việt (dự án Sing - Việt) nữa hay không, nếu làm thì bao giờ làm.

Dự án Sing - Việt là một trong những dự án bị khiếu nại kéo dài, người dân không đồng tình với phương án bồi thường. 

Dự án này nằm ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có quy mô 331ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000.

Tuy nhiên đến nay đã 27 năm, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, khu tái định cư đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn khu đô thị chưa đền bù xong.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (Công ty Sing Việt).

Tuy nhiên, 100% vốn của công ty này thuộc sở hữu của Công ty Amaland Pte.Ltd (Amaland) được thành lập tại Singapore.

Tại kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền thông qua Công ty VivaLand mua vốn góp của công ty Singapore, từng bước thâu tóm dự án Sing - Việt.

Dự án hiện là bãi đất hoang, dân khổ 

Cử tri Huỳnh Văn Tiền (ấp 2, xã Lê Minh Xuân) cho biết 27 năm nay, người dân liên quan đến dự án Sing - Việt không làm gì được với khu đất của mình. Dự án treo, người dân không sang nhượng, thế chấp, xây dựng được, cuộc sống tạm bợ, khó khăn.

Ông Tiền kiến nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan để giải quyết dứt điểm những vấn đề khiếu nại của dân. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án này, không để kéo dài thêm.

Cùng ý kiến, cử tri Phạm Văn Bao (ấp 1, xã Lê Minh Xuân) chia sẻ: "Dự án hiện là bãi đất hoang, dân khổ trong cuộc mưu sinh, đất đai không cầm cố, mua bán được, chủ đầu tư không thấy đâu".

Ông Bao đề nghị làm rõ dự án này đã được chuyển nhượng ra sao, tại sao đến nay chưa thực hiện và nói rõ có thực hiện nữa hay không? Nếu làm phải làm nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu không cũng phải trả lại quyền lợi cho dân.

Trao đổi lại sau đó, đại diện Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh cho biết liên quan đến việc thực hiện dự án Sing - Việt hiện đã có thông báo kết luận của phó tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo đó dự án sẽ tiếp tục thực hiện và hiện Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh tiếp tục tham mưu báo cáo UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM, ban bồi thường sẽ tiếp tục triển khai bồi thường cho các hộ dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ những bức xúc với người dân, và cho biết sẽ gửi kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bà Trương Mỹ Lan đã mua 100% vốn công ty chủ đầu tư dự án Sing - Việt

Theo kết quả điều tra, bà Trương Mỹ Lan đã mua 100% vốn của Amaland (chủ đầu tư dự án Sing - Việt). Trong đó, 97% do Công ty Regionaland Pte.Ltd (Regionaland) nắm giữ và 3% còn lại của các cổ đông nhỏ lẻ.

Tiếp đó, Amaland đã ủy quyền cho 3 cá nhân do bà Trương Mỹ Lan chỉ định nắm giữ 100% vốn tại Công ty Sing Việt, tức chủ đầu tư dự án khu đô thị Sing Việt.

Cụ thể, Trịnh Quang Công nắm giữ 50% vốn góp; Nguyễn Thanh Tùng và Cổ Thị Thanh Liêm, mỗi người nắm giữ 25% vốn góp.

Trong khi vốn góp của Amaland tại Công ty Sing Việt đang có tranh chấp với SVIC, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo luật sư làm thủ tục chuyển nhượng 97% vốn của Amaland từ Regionaland sang cho con gái Chu Duyệt Phấn.

Hồ sơ chuyển nhượng 97% vốn nói trên đã được nộp cho cơ quan chức năng Singapore từ tháng 9-2023. Đến nay, phía Singapore đã từ chối thực hiện thủ tục vì biết thông tin vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát đang bị điều tra.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020