Gần 380 cổ phiếu tăng giá trong phiên đầu tiên của năm mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mở cửa phiên giao dịch ngày 2-1, VN-Index tăng nhẹ với lực mua chủ động chiếm ưu thế. Tuy nhiên sau đó, lực bán chủ động gia tăng gây áp lực lên chỉ số.
Nhiều cổ phiếu tăng giá đầu năm
Áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng và công nghệ khiến VN30 giảm gần 9 điểm và kéo theo chỉ số chung mất 2 điểm khi khép lại phiên sáng.
Sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lấy lại dần sắc xanh. Trong đó ngành ngân hàng tăng nhẹ 0,1% nhưng có sự phân hóa cao.
Ở nhóm tăng giá, dẫn đầu có BID của BIDV (+2,6%), VCB (+0,7%), MBB (+0,6%)… Ngược lại, HDB của HDBank (-0,98%), TCB của Techcombank (-1,4%), EIB của Eximbank (-2,85%), ACB (-1,36%), TPB của TPBank (-0,9%)…
Các nhóm bán lẻ, viễn thông, bảo hiểm, xe và linh kiện… vẫn duy trì được sắc xanh, góp phần giữ thị trường ở thế cân bằng hơn.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận hàng loạt mã lớn chịu áp lực điều chỉnh, như: SSI (-0,58%), HCM (-0,34%)… khiến cả ngành mất 0,1% trong phiên hôm nay.
Tính chung toàn thị trường, số lượng cổ phiếu xanh vẫn áp đảo với gần 380 mã tăng giá, đối trọng có hơn 300 mã giảm điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực hơn, dù chỉ số chỉ tăng hơn 2 điểm, lên 1.269 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 12.000 tỉ đồng.
Thị trường đầu năm mới vẫn nối dài tâm lý thận trọng khi nhiều yếu tố rủi ro với thị trường như áp lực tỉ giá, khối ngoại bán ròng vẫn chưa hạ nhiệt.
Trong phiên "mở hàng" năm mới, khối ngoại bán ròng 250 tỉ đồng đã tạo áp lực lên thị trường. Các mã bị nhà đầu tư ngoại "xả" nhiều nhất gồm: FPT (-240 tỉ đồng); ACV (-35 tỉ đồng); CTG (-36 tỉ đồng); SSI (-28 tỉ đồng)…
Chưa kể, báo cáo mới công bố của S&P Global cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã giảm xuống còn 49,8 điểm. Đây là lần đầu tiên trong ba tháng trở lại đây, MPI sụt dưới 50 điểm. Điều này khiến không ít nhà đầu tư quan ngại về mức độ phục hồi ngành sản xuất của Việt Nam.
Cổ phiếu công ty ông Trần Bá Dương tăng kịch trần
Trong khi VN30 giảm điểm, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ hay trên sàn UpCOM lại tỏa sáng nhờ câu chuyện riêng của doanh nghiệp.
Như TMT của CTCP Ô tô TMT, cổ phiếu này vừa có thêm một phiên tăng trần, đưa thị giá lên 10.500 đồng/đơn vị.
Trước đó, trong ngày 31-12, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) có văn bản gửi Công ty cổ phần Ô tô TMT yêu cầu giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 25 đến 31-12.
Cổ phiếu TMT tăng kể từ hôm TMT Motors tuyên bố đang đàm phán với đối tác General Motors - SAIC - Wuling (SGMW) dự kiến đưa sản phẩm thương mại phiên bản có khả năng thay thế xe 2 bánh gắn máy với mức giá dự kiến kèm theo pin dưới 150 triệu đồng.
Một cổ phiếu khác cũng tăng hết biên độ phiên hôm nay là HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico) do tỉ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch.
Với mức tăng gần 15%, HNG đã được đẩy lên vùng giá 7.000 đồng, trong khi nhiều cổ đông nắm giữ mã này từ thời điểm thị giá có hơn 3.000 đồng.
HNG tăng ngay sau thông tin HAGL Agrico đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ theo thỏa thuận và không còn phát sinh công nợ với công ty của bầu Đức hôm 31-12-2024.
Cụ thể, số tiền công ty này đã trả 4.228 tỉ đồng. Trong đó, HAGL Agrico thanh toán khoản vay trực tiếp cho BIDV là 2.094 tỉ đồng, và thanh toán nợ cho HAGL (công ty do bầu Đức làm chủ tịch) liên quan đến trái phiếu HAGL 2016 là 2.314 tỉ đồng. Sau khi thanh toán hết nợ, HAGL Agrico cũng cho biết sẽ nhận về một số tài sản.
Sau khi ôm về HAGL Agrico từ bầu Đức, nhận định công ty này "chỉ còn xương không thôi", nhưng tỉ phú Trần Bá Dương vẫn thể hiện tâm huyết, "đặt cược" rất lớn vào mảng nông nghiệp.
VN-Index năm 2024 tăng hơn 12%
Kết thúc năm 2024, VN-Index tăng 137 điểm (+12%) và đóng cửa ở mốc 1266.78 điểm, thanh khoản khớp lệnh đạt 173 tỉ cổ phiếu, gần tương đương năm 2021 và 2023.
Xu hướng giao dịch trong năm 2024 là giằng co trong biên độ rộng từ 1.200-1.300 với sự phân hóa mạnh ở từng nhóm ngành.