Chuyên mục  


"Họ đều có khả năng chi tiền, con số nên ở mức 5% chứ không phải 2%", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo hôm 7/1, đề cập tỷ lệ giữa ngân sách quốc phòng và GDP của các nước thành viên NATO. Mức tăng từ 2% lên 5% đồng nghĩa mỗi quốc gia NATO sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng thêm 150% so với hiện nay.

"Châu Âu chỉ bỏ ra số tiền rất nhỏ so với chúng ta. Vì sao Mỹ phải chi nhiều hơn châu Âu hàng tỷ USD?", ông nói thêm.

Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh ông từng khiến nhiều nước thành viên NATO chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, nhắc đến sức ép mà mình tạo ra trong nhiệm kỳ đầu tiên nhằm buộc các quốc gia trong liên minh đáp ứng mục tiêu trên.

Theo đánh giá gần nhất của NATO, 23 trong 32 thành viên của khối sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024, so với chỉ 3 nước làm được điều này hồi năm 2014.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago hôm 7/1. Ảnh: AFP

Hiện không có thành viên NATO nào dành 5% GDP cho chi tiêu quân sự, kể cả Mỹ. Ông Trump không nói có ý định tăng ngân sách quốc phòng Mỹ lên con số này sau khi nhậm chức hay không.

Tổng thống đắc cử Mỹ từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về NATO. Ông hồi tháng trước nhắc lại lời đe dọa rằng sẽ rút Mỹ khỏi liên minh nếu các thành viên của khối không tăng chi tiêu quốc phòng.

Lời đe dọa của ông Trump và xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều quốc gia NATO đồng ý tăng ngân sách quốc phòng. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã ám chỉ rằng khối có thể tăng mục tiêu về chi tiêu quân sự của các nước thành viên lên mức 3% GDP.

Marcus Faber, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, ngày 7/1 nhận định các nước NATO sẽ cần thiết lập mục tiêu mới về chi tiêu quân sự, song nhấn mạnh con số này sẽ là 3% chứ không phải 5% như đề xuất của ông Trump. "Đương nhiên điều này sẽ được quyết định và nhất trí thông qua sự đồng thuận chung, chứ không phải bởi một quốc gia thành viên", ông khẳng định.

Ông Trump hôm 7/1 cũng nói rằng Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine gia nhập NATO, ám chỉ đây là nguyên nhân khiến Nga mở chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. "Có ai đó đứng ngay trước cửa nhà của Nga, nên tôi có thể hiểu cảm giác của họ về điều đó", Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết.

Trên thực tế, các nước NATO hồi năm 2008 từng đồng ý về khả năng Ukraine gia nhập khối. Tuy nhiên, Mỹ và Đức gần đây không còn ủng hộ động thái này do lo ngại nguy cơ NATO bị kéo vào xung đột với Nga.

Phạm Giang (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020