Chuyên mục  


base64-17140273879051149015459.jpeg

Cổ đông làm cơm tự chín và lẩu bắp bò riêu cua tự sôi tại khu vực vừa diễn ra đại hội. Tập đoàn Masan dự kiến đưa công ty chuyên về hàng tiêu dùng - Masan Consumer Holdings niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) và hai công ty thành viên gồm Masan Consumer (hàng tiêu dùng, MCH), Masan MEATLife (thịt mát, MML) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào hôm nay 25-4 tại TP.HCM.

Mục tiêu 20% doanh thu quốc tế đến từ bán phở, lẩu, cơm, tương ớt Việt...

Bất chấp nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức, năm 2024 Tập đoàn Masan vẫn đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần hợp nhất từ 84.000 - 90.000 tỉ đồng, tương đương tăng lần lượt từ 7-15% so với cùng kỳ năm trước. 

Lợi nhuận sau thuế thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số dự kiến đạt từ 2.290 - 4.020 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm liền trước.

Đáng chú ý, "vươn ra thế giới" là cụm từ được các lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh nhiều lần trong đại hội cổ đông năm nay.

Tổng giám đốc Danny Le chia sẻ hiện tại ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị có độ lớn 380 tỉ USD trên toàn cầu. "Mô hình kinh doanh bền vững hàng chục năm sau, phải đi ra ngoài biên giới của Việt Nam". Nhiều món ngon của Ý, Hàn, Nhật… đã làm được, "tin rằng Việt Nam cũng có những sản phẩm toàn cầu như vậy".

Về mảng hàng tiêu dùng, ông Trương Công Thắng - tổng giám đốc Masan Consumer, cho biết doanh nghiệp đang sở hữu 5 nhãn hiệu mạnh gồm: Chin-Su, Nam Ngư (nước tương, nước mắm), Omachi, Kokomi (mì) và Wake-up 247 (nước tăng lực). Từng nhãn hiệu có doanh thu từ 150 - 250 triệu USD mỗi năm.

Mục tiêu đạt 10 - 20% doanh thu từ thị trường quốc tế, vào top đầu các doanh nghiệp Đông Nam Á, nỗ lực "nói với thế giới sự hấp dẫn của đồ ăn, văn hóa, con người Việt Nam".

Hiện tại, một số sản phẩm của Masan đã chinh phục được thị trường quốc tế. Điển hình như tương ớt Chin-Su bán chạy nhất trên Coupang - sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, top 10 bán chạy trên sàn Amazon…

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng - giám đốc marketing cấp cao ngành hàng thực phẩm tiện lợi, chia sẻ trước kia khi nghĩ về mì tôm, nhiều người hình dung đang rơi vào hoàn cảnh éo le, ăn để no chứ không ngon lành gì. 

Tuy nhiên, Omachi xuất hiện, tiếp cận bằng góc nhìn khác, ăn vì sự yên tâm, cảm giác thưởng thức, dinh dưỡng, tiện lợi. Như vậy, một gói mì ăn liền thay vì có giá 3.000 đồng đã tăng lên gấp đôi.

Hay lẩu tự sôi bắp bò riêu cua được doanh nghiệp ra mắt với giá 100.000 đồng, đắt nhất Việt Nam, nhưng vẫn được nhiều người trẻ yêu thích, vì sự thú vị và tận hưởng. Khi biết cách tiếp cận, ẩm thực Việt được nâng tầm. 

Ngay tại đại hội, doanh nghiệp cũng giới thiệu món mới là cơm tự chín và cho cổ đông nấu ăn liền sau đó.

"Chưa có cái nhìn đúng về Phúc Long", chuỗi Winmart kỳ vọng lãi ròng sau thuế dương vào năm tới

base64-17140275587041245516579.jpeg

Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về việc trọng người tài, nỗ lực quảng bá ẩm thực Việt - Ảnh: BÔNG MAI

Thông tin về chuỗi trà và cà phê Phúc Long được nhà đầu tư quan tâm. Báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện doanh thu của chuỗi này đạt 387 tỉ đồng và lợi nhuận 247 tỉ đồng trong quý đầu năm nay, giảm so với cùng kỳ. Dù vậy, cả năm nay dự kiến đạt doanh thu 1.790 - 2.170 tỉ đồng, tăng trưởng 17 - 41% so với cùng kỳ.

Đại diện doanh nghiệp cho biết "Phúc Long là thương hiệu đạt độ chín muồi trong thị trường bão hòa". Ngay sau đại dịch COVID-19 xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh mới. Để phát triển, năm vừa qua doanh nghiệp đóng những cửa hàng không hiệu quả, xây dựng lại đội ngũ nhân sự và quy trình. 

Năm nay Phúc Long sẽ mở các cửa hàng mới và thực đơn mới. "Tin rằng mô hình hiện nay là mô hình bền vững, hiệu quả", vị đại diện cho hay.

"Có nhiều người chưa có cái nhìn đúng về Phúc Long", ông Danny Le chia sẻ. Theo ông, chuỗi cà phê này cũng có chiến lược vươn ra toàn cầu, hiện có hai cửa hàng ở Mỹ để thu thập thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài.

Trước cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương - tổng giám đốc của WinCommerce (chuỗi siêu thị Winmart, Wmart+) - cho biết doanh nghiệp cam kết phục vụ các kênh bán lẻ hiện đại còn nhiều tiềm năng phát triển và thị trường nông thôn chưa được khai thác, duy trì vị trí dẫn đầu về mạng lưới cửa hàng, hướng đến mục tiêu sở hữu hơn 4.000 cửa hàng vào cuối năm nay. WinCommerce đặt mục tiêu lợi nhuận ròng sau thuế là dương vào năm 2025.

Ngoài ra, về mảng đầu tư vào mảng thịt chế biến - Masan MeatLife, dự kiến đạt doanh thu thuần từ 7.100 - 7.800 tỉ đồng năm nay.

Masan có sa thải nhân sự?

Trước làn sóng cắt giảm nhân sự ở nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam, Tập đoàn Masan nhận được câu hỏi liên quan đến từ cổ đông. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang trực tiếp trả lời, dẫn dắt bởi câu nói trong "Bình Ngô đại cáo": "Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu".

"Chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng tài năng của mọi người, không chỉ người Việt mà tài năng thế giới. Để cùng xây dựng sự nghiệp biến Masan thành một trong những niềm tự hào của Việt Nam, bằng cách phụng sự người tiêu dùng, mang văn hóa ẩm thực đến thế giới", ông nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020