Thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý của không ít nhà đầu tư - Ảnh: BÔNG MAI
Nhà đầu tư trong nước và khối ngoại cùng bán ròng chứng khoán
Mặc dù xuất hiện dòng tiền được đổ vào để mua cổ phiếu rớt giá, giúp thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối cùng của tuần giao dịch trong sắc xanh. Nhưng so với tuần trước thì VN-Index đã bị giảm gần 26 điểm (-2,2%), hiện neo ở vùng 1.128 điểm, thể hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.
Cổ phiếu nhóm bất động sản bị bán tháo mạnh nhất, làm trầm trọng thêm đà giảm của thị trường sau thông tin Novaland tuyên bố chậm trả nợ trái phiếu. Giá dầu đảo chiều khiến nhóm dầu khí quay đầu giảm.
Trong tuần, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn bị rớt từ 5-7% phải kể đến BID (BIDV), HPG (Hòa Phát), GAS (PetroVietnam Gas)... Ngược lại, các mã như VRE (Vincom Retail), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), VHM (Vinhomes)... ghi nhận tăng trưởng, góp phần kìm lại đà bán tháo của thị trường.
Trước bất an của nhà đầu tư, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần chỉ đạt hơn 17.170 tỉ đồng, giảm mạnh 21% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 360 tỉ đồng, trong khi tuần trước còn mua ròng.
Chính sách tiền tệ không thay đổi
Nhận định về thị trường, ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect - cho biết chứng khoán Việt Nam trải qua nhịp điều chỉnh mạnh trong một vài tuần gần đây, do áp lực tỉ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu hút bớt thanh khoản dư thừa của Ngân hàng Nhà nước.
Nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản của tháng 10 năm ngoái, áp lực tỉ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải đảo chiều chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, bối cảnh năm nay khác nhiều so với năm ngoái. Đợt biến động mạnh năm ngoái đến từ cộng hưởng nhiều yếu tố như áp lực tỉ giá, sự kiện Vạn Thịnh Phát khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng đột ngột thắt chặt, buộc Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất điều hành. Ngược lại, thời điểm này năm nay thanh khoản hệ thống ngân hàng thậm chí dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng.
Đồng thời, áp lực tỉ giá không quá lớn, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) đã có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng 107 điểm, trong khi cùng thời điểm năm ngoái vọt lên trên 114 điểm.
Bên cạnh đó, năm nay tỉ giá còn được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại kỷ lục (9 tháng qua đã trên 20 tỉ USD), FDI và kiều hối duy trì tích cực, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Vì vậy "áp lực tỉ giá năm nay sẽ không làm đảo chiều chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn sẽ có điều kiện để duy trì ở vùng thấp nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế", ông Hinh chia sẻ.
Chứng khoán có khả năng xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật
Theo chuyên gia VNDirect, chứng khoán trong những tuần tới sẽ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý 3-2023 của các doanh nghiệp niêm yết dần hé lộ, kỳ vọng chuyển biến tích cực hơn so với hai quý đầu năm.
Sau nhịp điều chỉnh, chỉ số VN-INDEX đang được giao dịch với P/E forward (giá trên thu nhập của một cổ phiếu trong tương lai) ở năm 2023 nằm mức 12-12,5 lần. Vì vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể gia tăng tỉ trọng cổ phiếu tại vùng 1.120 (+/- 10 điểm), ưu tiên ngành có triển vọng chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm nay như: xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), đầu tư công, ngân hàng và chứng khoán.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán SHS cho biết thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới. Nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng, bởi nhịp hồi nếu hình thành cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Trong trung - dài hạn, thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại, nên rủi ro trung - dài hạn không cao.