Vị thủ tướng trẻ Justin Trudeau đã thổi luồng năng lượng mới vào chính trường Canada khi lên nắm quyền vào năm 2015 - Ảnh: AFP
Ngày 6-1, trong một tuyên bố bất ngờ, ông Justin Trudeau thông báo sẽ từ chức thủ tướng Canada và từ bỏ vị trí lãnh đạo Đảng Tự do.
Quyết định này không chỉ đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên chính trị mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai Canada, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới và mối quan hệ với Mỹ dưới thời Trump 2.0.
Ra đi trước khủng hoảng
Khác hẳn với hình ảnh năng động, tràn đầy nhiệt huyết khi lên nắm quyền năm 2015, bài phát biểu chia tay của ông Trudeau đầy trăn trở. "Đất nước này xứng đáng có một sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tôi đã nhận ra rằng nếu phải đối mặt với cuộc chiến nội bộ, tôi không thể là lựa chọn tốt nhất", ông phát biểu trên Đài CBC.
Con đường chính trị của ông Trudeau khởi đầu với những hoài nghi. Xuất thân là một giáo viên, nhiều người cho rằng ông thiếu kinh nghiệm để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên với phong cách gần gũi và tầm nhìn cấp tiến, ông đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Canada và cộng đồng quốc tế.
Dấu ấn đầu tiên của ông Trudeau là việc thành lập một nội các cân bằng giới tính - một bước đi táo bạo vào năm 2015. Tiếp đó ông thực hiện hàng loạt cải cách quan trọng như đưa ra kế hoạch thuế carbon toàn diện và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng.
Không thể phủ nhận những thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ của vị thủ tướng 53 tuổi này. Từ nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cải thiện quan hệ với người bản địa đến thực hiện các khoản đầu tư lớn và giảm bất bình đẳng thu nhập.
Hình ảnh một nhà lãnh đạo thân thiện, ủng hộ nữ quyền và chào đón người tị nạn đã giúp ông trở thành một trong những thủ tướng được yêu mến nhất trên trường quốc tế.
Nhưng những năm cuối nhiệm kỳ chứng kiến sự sụt giảm mạnh về uy tín của ông Trudeau. Theo GS Lori Turnbull từ Đại học Dalhousie, việc nắm quyền quá lâu cùng cách xử lý đại dịch COVID-19 và khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã khiến mức độ ủng hộ dành cho ông giảm mạnh trong hai năm qua.
Canada thời hậu Justin Trudeau
Đảng Tự do đang phải đối mặt với tình trạng suy yếu nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Đảng Bảo thủ đối lập sẽ giành chiến thắng nếu tổ chức bầu cử ngay lập tức. Chính vì vậy trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Trudeau đã quyết định hoãn các phiên họp quốc hội để tạo điều kiện cho đảng chọn ra người kế nhiệm.
Mối quan hệ Canada - Mỹ đang đứng trước thách thức chưa từng có. Ông Trump từng đe dọa khi nắm quyền chính thức sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada - một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này khi 77% kim ngạch xuất khẩu của Ottawa phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Theo các chuyên gia từ Tổ chức Atlantic Council, người kế nhiệm ông Trudeau cần ưu tiên ba lĩnh vực hợp tác chính với chính quyền Trump: chi tiêu quốc phòng, thương mại và an ninh kinh tế, cũng như năng lượng và khoáng sản chiến lược. Đây được xem là chìa khóa để duy trì mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.
Bên cạnh đó các vấn đề nội tại của Canada cũng đang ngày càng trở nên phức tạp. Giá nhà tăng phi mã đã khiến nhiều người trẻ không thể mua được nhà riêng. Lạm phát cao đẩy chi phí sinh hoạt lên mức kỷ lục. Các chính sách môi trường, dù cần thiết, lại gây tranh cãi về tác động đến nền kinh tế.
Giới phân tích cho rằng di sản của ông Trudeau là một bức tranh đa chiều, cần thời gian để đánh giá đầy đủ. Nhà phân tích Nik Nanos từ Tổ chức Nanos Research nhận định: "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi lựa chọn đều gây chia rẽ, nhưng người ta lại muốn đổ lỗi cho ai đó. Và ông Justin Trudeau, với tư cách thủ tướng đương nhiệm, đứng đầu danh sách đó".
Thách thức này không chỉ riêng Canada phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo phương Tây khác như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang trong tình trạng tương tự.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế ngày càng trở nên khó khăn.