Chuyên mục  


diem-cao-17362989252901809822911.jpg

Đánh giá học sinh thực chất, khách quan và chi tiết sự tiến bộ của từng học sinh sẽ ngăn chặn tình trạng “lạm phát” điểm cao. Trong ảnh: tiết học môn tiếng Việt của một trường tiểu học tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không ít ý kiến đề nghị các trường đại học không sử dụng điểm trong học bạ làm căn cứ tuyển sinh. 

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ học sinh cũng tỏ ra lo lắng khi họ thấy điểm số ở trường không phản ánh được năng lực thực sự của con họ, nhất là tình trạng con đạt điểm cao nhưng thực tế kỹ năng hay thái độ học tập theo họ đều "chưa ổn".

Nguyên nhân "lạm phát" điểm cao

Trong bối cảnh hiện nay, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát điểm cao khi đánh giá học sinh ở các trường phổ thông Việt Nam.

Trước hết, cần kể đến nguyên nhân từ căn bệnh "thành tích". Các trường học, giáo viên thường chịu áp lực về thành tích, ví dụ như tỉ lệ học sinh giỏi, tỉ lệ đỗ chuyển cấp, tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học... 

Để đạt được các chỉ tiêu này, một số trường có thể có xu hướng nới lỏng việc đánh giá, cho điểm cao hơn so với thực chất năng lực của học sinh để "làm đẹp học bạ".

Bên cạnh đó, tâm lý "thành tích" của phụ huynh cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc nới lỏng đánh giá, để cho học sinh có được kết quả tốt nhằm "an lòng cha mẹ". Nhiều gia đình cho con đi học thêm, học theo kiểu ôn luyện, để chắc chắn thành thạo "nội dung được thi". 

Và tất nhiên, song hành cùng với hiện tượng này, đó là có những giáo viên "dạy thêm bằng chính những nội dung sẽ được mình sử dụng trong đánh giá học sinh", dẫn đến "học trúng tủ, học lệch"...

Một nguyên nhân được cho từ "chủ quan của giáo dục" đó là phương thức đánh giá học sinh chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Một số hình thức đánh giá hiện tại chưa thực sự đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, mà chủ yếu tập trung vào kiến thức lý thuyết. Điều này có thể dẫn đến việc học sinh học thuộc lòng, "học vẹt, học gạo" để đạt điểm cao, nhưng lại không vận dụng được kiến thức vào thực tế.

Có một số ý kiến cho rằng các thông tư về đánh giá học sinh tiểu học có thể góp phần vào tình trạng "lạm phát" khen thưởng hoặc đánh giá cao ở bậc tiểu học khi các văn bản này hướng dẫn giáo viên đánh giá "chung chung", chỉ chú trọng vào điểm mạnh, sự tiến bộ của học sinh. Điều này nhằm mục đích động viên, khích lệ học sinh, tránh gây áp lực và so sánh.

Tuy nhiên, đôi khi việc quá chú trọng vào động viên có thể dẫn đến việc đánh giá "dễ dãi" hơn, học sinh nào cũng được nhận xét tốt, gây ra tâm lý "xem xét toàn diện, bao gồm cả những hạn chế và cách khắc phục".

Việc đánh giá bằng nhận xét đôi khi khó lượng hóa và so sánh một cách khách quan giữa các học sinh. Điều này có thể tạo cảm giác rằng học sinh nào cũng "tốt", dẫn đến "lạm phát" khen thưởng hoặc đánh giá chung chung.

Cần dạy thật, học thật, thi thật

Liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ đánh giá, những năm qua vẫn có tình trạng "ra đề thi không đồng đều". Một số nơi được cho là "ra đề thi dễ hơn", cũng là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát điểm cao. Đề thi quá dễ sẽ khiến nhiều học sinh đạt điểm cao, trong khi đề thi quá khó sẽ gây khó khăn cho học sinh.

Nguồn gốc của hiện tượng này, đó là nhận thức không đồng đều của giáo viên và cơ quan quản lý địa phương về "yêu cầu cần đạt", không bám sát những tiêu chí, mức độ cụ thể được quy định trong "ma trận đặc tả" đánh giá môn học. 

Để có sự hiểu và thực thi đồng đều trong "ra đề thi" là không hề dễ. Nó đòi hỏi một quá trình nâng cao trình độ của giáo viên, của nhà quản lý, từ nhận thức đến kỹ năng thiết kế, sử dụng công cụ đánh giá, mà trên hết là sự thấu hiểu học sinh. Các công cụ đánh giá khi bị sử dụng không đúng mục đích, không khách quan đều trở nên "phản tác dụng", không còn sự tin cậy.

Đánh giá quá trình học tập của học sinh có vai trò, ý nghĩa thực sự quan trọng, không chỉ xác nhận năng lực của học sinh mà còn cung cấp thông tin phản hồi, giúp giáo viên, học sinh và những bên liên quan điều chỉnh cách dạy, cách học, cách giáo dục các em. 

Vì thế không chỉ "lạm phát" điểm cao, mà tất cả những hiện tượng dẫn đến đánh giá không thể hiện được vai trò đúng đều tác động tiêu cực đến giáo dục.

Những thông tin sai lệch từ đánh giá sẽ khiến các học sinh không nhận thức được để thay đổi việc học, học chủ động. Đồng thời các bên liên quan sẽ nghi ngại, sẽ từ chối sử dụng kết quả đánh giá. Đó là những hậu quả khôn lường, vì vậy rất cần "dạy thật, học thật, thi thật".

Thay đổi cách đánh giá

Cần lưu ý mục tiêu của các thông tư về đánh giá học sinh là thay đổi cách đánh giá chứ không phải làm cho điểm số cao hơn. Mục tiêu chính là chuyển từ đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện hơn về phẩm chất và năng lực của học sinh.

Việc "lạm phát" (nếu có) không nằm ở bản chất của thông tư, mà nằm ở cách thực hiện của giáo viên và nhận thức của phụ huynh. Nếu giáo viên thực hiện đúng theo tinh thần của thông tư, đánh giá khách quan và chi tiết sự tiến bộ của từng học sinh thì sẽ không có tình trạng "lạm phát".

Tâm lý dẫn đến "bệnh thành tích"

Trong rất nhiều diễn đàn, "bệnh thành tích" trong giáo dục được mổ xẻ, và cơ quan quản lý cũng tiến hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nó đến giáo dục.

Nhưng thực tế, căn bệnh này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bởi tâm lý sợ thua thiệt, sợ điểm thấp sẽ mất cơ hội của con trẻ, áp lực thi đua khen thưởng... vẫn còn đang hiện hữu.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020