Vùng Tây Nguyên có lợi thế lớn về nông nghiệp như chăn nuôi và trồng các loại cây ăn trái, rau củ - Ảnh: TẤN LỰC
Ngày 6-1, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và chính quyền tỉnh Gia Lai, một số nhà đầu tư lớn đã tham dự và chia sẻ tiềm năng phát triển của Gia Lai và vùng Tây Nguyên.
Lãnh đạo các tập đoàn nhận định khu vực Tây Nguyên có tiềm năng lớn về nông nghiệp và du lịch cần được phát triển.
Thaco tham vọng làm nông nghiệp quy mô lớn ở Tây Nguyên
Đánh giá lợi thế vùng Tây Nguyên, ông Trần Bá Dương - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) - nói vùng đất này có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt.
Tại tỉnh Gia Lai, Thaco đang có dự án chăn nuôi bò và trồng cây ăn trái quy mô lên tới 10.000ha.
Tỉ phú này nêu tham vọng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất - xuất khẩu trái cây tươi và nông sản tại khu vực này bên cạnh những dự án đã đầu tư tại Lào và Campuchia.
Biến khu vực thành trung tâm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mà trong đó Thaco giữ vai trò doanh nghiệp đầu mối, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, chế biến tới xuất khẩu. Tổ chức hệ thống logistics, vận chuyển, kho bãi hoàn thiện cho khu vực Tây Nguyên.
Tỉ phú Trần Bá Dương - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) - Ảnh: TẤN LỰC
Theo tỉ phú Trần Bá Dương, để phát triển nông nghiệp bền vững cho khu vực phải hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc này đòi hỏi chất lượng và sản lượng nông sản làm ra phải ổn định, phải có chuỗi giá trị sản xuất - xuất khẩu nông sản, trái cây. Đây là nút thắt của Gia Lai và vùng Tây Nguyên hiện nay.
Ông Dương chia sẻ mỗi ngày có khoảng 50 container hàng nông sản của Thaco chạy trên quốc lộ 19, và dự kiến trong năm tới sẽ tăng lên 100 container. Việc tổ chức được hệ thống logistics hoàn chỉnh sẽ giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản khu vực.
Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương kiến nghị chính quyền tỉnh Gia Lai quan tâm tháo gỡ các khó khăn cho Thaco, và cam kết trong vòng 3 năm sẽ triển khai thành công mô hình này.
Chủ tịch Sun Group: sẵn sàng tham gia làm đẹp các vùng đất
Bên cạnh nông nghiệp, du lịch cũng là lĩnh vực các nhà đầu tư đánh giá vùng Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
Ông Đặng Minh Trường - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group - nhìn nhận tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng cần tăng cường liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tập đoàn này đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường hàng không lên Tây Nguyên và bày tỏ Sun Group sẵn sàng tham gia vào việc này.
Ông Đặng Minh Trường - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group - Ảnh: TẤN LỰC
Để thực hiện thành công, ông Đặng Minh Trường cho rằng địa phương cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, du lịch - dịch vụ vào Tây Nguyên và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ông Trường dẫn ví dụ các trường hợp của Sapa (Lào Cai) và Bà Đen (Tây Ninh), sau khi có doanh nghiệp lớn vào đầu tư đã kéo theo lượng khách du lịch tăng rất mạnh, mang về nguồn thu lớn cho địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Từ kinh nghiệm của mình, lãnh đạo Sun Group cho rằng với các vị trí càng khó khăn nếu tiếp cận khai thác du lịch thành công hiệu quả càng cao.
"Đầu tư vào những vùng sâu, vùng xa chi phí rất tốn kém, nhưng chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng địa phương để thay đổi, làm đẹp các vùng đất!" - ông Đặng Minh Trường chia sẻ.
Lưu ý các yếu tố văn hóa bản địa
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - việc phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa tại Tây Nguyên và Gia Lai thời gian qua có ảnh hưởng nhất định tới văn hóa bản địa.
Trong đó, các yếu tố văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang ngày càng mai một như nhà rông và lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian. Việc duy trì và kế thừa tiếng nói, chữ viết của đồng bào cũng có sự ảnh hưởng. Đây là những vấn đề cần được quan tâm, lưu ý khi đầu tư phát triển vào khu vực.
Ông Hùng gợi ý địa phương phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.