Phô mai Gruyère, chocolate hay đồng hồ là các đặc trưng phổ biến mà Alexandre Edelmann biết nhiều người hay nghĩ đến khi nói đến Thụy Sĩ. Nhưng đất nước có diện tích nhỏ bé này (41.285 km2) còn có nhiều năng lực hơn thế.
Alexandre Edelmann là người đứng đầu Presence Switzerland, chịu trách nhiệm quảng bá đất nước ra quốc tế. Để thay đổi hình ảnh một quốc gia nằm bên hồ êm đềm ở dãy Alps, anh thích nhấn mạnh rằng, khoảng 15 năm trước, Google đã chọn lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất bên ngoài nước Mỹ tại Zurich, nơi họ tuyển gần 5.000 nhân viên.
Thực tế, nền kinh tế Thụy Sĩ có khả năng cạnh tranh không chỉ ở lĩnh vực ngân hàng lớn chiếm 10% GDP. Họ dành 3,2% GDP cho hoạt động R&D hàng năm, theo Ngân hàng Thế giới. Con số này cao hơn mức trung bình của châu Âu (2,15%) và của Pháp (2,35%). Công nghiệp chiếm 25% GDP, gấp đôi so với Pháp.
Một nhân viên của Hamilton Medical kiểm tra máy thở tại một nhà máy ở Domat/Ems, Thụy Sĩ ngày 18/3/2020. Ảnh: Reuters
Theo Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu, năm ngoái, Thụy Sĩ là quốc gia nộp nhiều bằng sáng chế nhất (tính trên một triệu dân), ở mức 1.031 bằng so với 482 ở Thụy Điển, 161 ở Pháp và 142 ở Mỹ. Họ cũng đứng đầu Chỉ số Đổi mới Toàn cầu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trong 12 năm qua. Còn theo hãng tư vấn EY, nước này có 14 công ty - bao gồm Roche, Novartis, STMicroelectronics và Givaudan - nằm trong số 500 tập đoàn hàng đầu đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu.
Trong bức tranh sức mạnh kinh tế Thụy Sĩ, có thể kể thêm tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,7% và thặng dư thương mại cao 5% GDP. Jerry Krattiger, Giám đốc Cơ quan Phát triển Friborg, nói thành tích xuất khẩu của nước này là nhờ các tập đoàn lớn cũng như mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn rất mạnh trong các lĩnh vực tiên tiến, đáng chú ý là công nghệ y tế và ngành công nghiệp chính xác.
Tinh thần kinh doanh và thực dụng
Làm thế nào mà liên bang gồm 8,7 triệu dân, được chia thành 26 bang, với 4 ngôn ngữ và 70% diện tích là núi, có thể đạt được thành công như vậy?
Sophie Cerny, Phó giám đốc Swiss Innovation, tổ chức điều phối 6 công viên đổi mới sáng tạo lớn của Thụy Sỹ giải thích: "Chúng tôi là một lãnh thổ nhỏ không có nguyên liệu thô nên phải đặt cược mọi thứ vào trí óc".
Gilles Andrier, CEO Givaudan, công ty hàng đầu thế giới về sản xuất hương liệu và nước hoa, nói tinh thần kinh doanh và thực dụng có trong máu người Thụy Sĩ. Còn Nicola Thibaudeau, người đứng đầu MPS, công ty chuyên về vòng bi, cho biết, ở một đất nước có thị trường nội địa hẹp và chi phí cao như vậy, cách duy nhất để các công ty tồn tại là bán ra nước ngoài và tập trung vào chất lượng.
Để đạt được điều này, người Thụy Sĩ phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Họ bắt đầu bằng việc học nghề, với 70% học sinh học việc và thực tập (apprenticeship) ở tuổi 15, đào tạo hơn 200 ngành nghề. Từ đó, các kỹ thuật viên cao cấp được phát hiện.
Jean-Marc Jaccottet, Chủ của Mecaplast, doanh nghiệp chuyên về ép nhựa, cho biết tỷ lệ lớn trong số 115 nhân viên của công ty ông xuất thân từ apprenticeship, giúp họ có khả năng tiếp thu công nghệ mới rất mạnh.
Người dân đi bộ dọc Bahnhofstrasse ở Zurich ngày 1/3/2021. Ảnh: Reuters
Có nhiều cách cho phép thanh niên trở lại giáo dục phổ thông nếu họ muốn, đặc biệt là thông qua các trường đại học khoa học và nghệ thuật ứng dụng. Hoặc họ có thể trở lại thông qua Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich (EPFZ) hoặc ở Lausanne (EPFL), đều có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các đại học hàng đầu.
EPFL cố gắng thu hút các giáo sư nước ngoài giỏi nhất, cung cấp ngân sách nghiên cứu đáng kể và mức lương cao gấp ba lần so với các trường đại học Pháp. "Chúng tôi là quốc gia duy nhất trả lương cho giáo viên tốt hơn cầu thủ bóng đá, với học phí dành cho sinh viên vẫn ở mức thấp", Dominique Foray, nhà kinh tế tại EPFL khẳng định.
Trên hết, mọi thứ đều nhằm hướng đến các ý tưởng, giải pháp mới. Các công viên đổi mới sáng tạo quy tụ sinh viên, nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và các công ty đa quốc gia. Một ví dụ là VDL ETG - tập đoàn Hà Lan có 15.000 nhân viên chuyên về các linh kiện công nghiệp, đặc biệt là chất bán dẫn.
Đầu năm 2023, họ thành lập một công ty con ở Innovaare, một trong 6 công viên đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ, nơi họ đang phát triển các dự án với Viện Paul Scherrer, trung tâm nghiên cứu kỹ thuật hàng đầu của địa phương.
"Để biết được những đổi mới nào sẽ thống trị thị trường trong vòng 5-10 năm tới, chúng tôi cần phải hiện diện ở những cái nôi của thế giới như Mỹ, Singapore và Thụy Sĩ", Hans Priem, Đối tác quốc tế của VDL ETG cho biết.
Tính linh hoạt của các quy định
Startup tại Thụy Sĩ có quyền tiếp cận các trung tâm nghiên cứu nhờ mô hình tài trợ đặc biệt. Khi một công ty xác định được phòng thí nghiệm có thể hỗ trợ thực hiện dự án thì cơ quan Innosuisse - với ngân sách hàng năm là 300 triệu franc Thụy Sĩ (310 triệu euro) - sẽ tài trợ cho mối quan hệ hợp tác hai bên.
"Điều này cho phép chúng tôi tiếp cận với các thiết bị đắt tiền mà chúng tôi sẽ không bao giờ có thể sử dụng bằng cách khác", Christoph Jenny, Đồng sáng lập công ty thịt từ thực vật Planted, cho biết.
Nhiều startup cũng ra đời kiểu này, chẳng hạn như Hydromea, được thành lập tại EPFL, chuyên phát triển máy bay không người lái dưới nước. Hai trong ba đồng sáng lập là người Đức và một đã học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). "Nhưng chúng tôi chọn Thụy Sĩ dù nó không có đại dương, vì cơ sở hạ tầng robot của Lausanne thuộc hàng tốt nhất thế giới", Đồng sáng lập Igor Martin nói.
Carrol Plummer (Canada) và Nigel Wallbridge (Anh) đều là kỹ sư và rời quê hương để đến Thụy Sĩ để lập Vivent, nghiên cứu hoạt động điện trong nhà máy. "Tính linh hoạt của các quy định ở đây đã thu hút chúng tôi. Mọi thứ đều hướng tới hiệu quả cho các công ty mà không cần quan liêu quá mức", Plummer cho biết.
Thomas Bohn, Giám đốc Greater Geneva Bern Area, cơ quan phát triển các khu vực phía Tây, cho biết họ không có chính sách công nghiệp từ trên xuống. "Mọi thứ đều xuất phát từ các bang, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển động rất nhanh", ông nói.
Tilman Slembeck, nhà kinh tế tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich, cho biết cấp liên bang can thiệp rất ít và nhiều vấn đề được giải quyết bằng các cuộc trưng cầu dân ý ở địa phương. "Nhà nước là chúng tôi, người Thụy Sĩ, chứ không phải các chính trị gia", ông nói. Theo quan điểm của ông, đặc điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa đồng thuận và ổn định của đất nước.
Thêm vào đó là gánh nặng thuế tương đối thấp đối với các công ty, với thuế thu nhập doanh nghiệp dao động 12% đến 20% tùy bang và một tuần làm việc khá dài (42 giờ). Nadia Gharbi, nhà kinh tế tại ngân hàng Pictet ở Geneva, nói những yếu tố này bù đắp cho giá trị tương đối cao của đồng franc Thụy Sĩ và tiền lương.
'Gót chân Achilles'
Bất chấp những điểm mạnh này, Thụy Sĩ không phải là không có điểm yếu. Theo Thibaudeau thuộc công ty MPS, giáo dục thường xuyên không hiệu quả bằng hệ thống học nghề. Còn theo Abhishek Kumar, giống như ở nhiều nước châu Âu, huy động tiền để startup ở Thụy Sĩ dễ dàng nhưng muốn tài trợ cho các giai đoạn phát triển tiếp theo thì khó hơn nhiều, không như Mỹ.
5 năm trước, ông thành lập Nanogence, startup phát triển chất xúc tác giúp giảm lượng khí thải carbon trong bê tông, tại EPFL. Giống như một số công ty khởi nghiệp ở "Lục địa già", ông đã mở một công ty con ở bên kia Đại Tây Dương. Ông hy vọng sẽ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp từ Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho ngành công nghiệp xanh.
Nhưng gót chân Achilles lớn nhất của nước này là mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) mà họ không phải là thành viên, theo Le Monde. Khi Thụy Sĩ từ chối gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu năm 1992, họ đã ký một loạt thỏa thuận theo ngành với Brussels về di chuyển tự do con người, hàng hóa và công nhận các tiêu chuẩn của nhau.
Nhưng một số hiệp ước này hiện đã lỗi thời. Do đó, EU đã đề xuất sửa đổi tất cả bằng một thỏa thuận khung lớn. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong hai năm, nhất là vì một số chính trị gia Thụy Sĩ lo ngại rằng sự di chuyển tự do của công nhân châu Âu sẽ làm giảm lương.
Trường hợp đàm phán thất bại, mặc dù khó xảy ra, các rào cản hải quan sẽ trở lại và khả năng tiếp cận thị trường châu Âu ít hơn, khiến các công ty Thụy Sĩ lo lắng. Đối với Novartis, công ty có gần 10.000 nhân viên ở quốc gia này, việc ổn định quan hệ với EU là "ưu tiên tuyệt đối". "Ngày nay, đây là mối lo ngại lớn đối với sức hấp dẫn về kinh tế và học thuật của chúng tôi", Krattiger kết luận.
Phiên An (theo Le Monde)