"Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ và kinh tế để tiếp tục giải phóng tiềm năng và sự năng động to lớn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết mọi thách thức môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu", theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngày 17/11.
Tuyên bố chung APEC 2023, gọi là "Tuyên bố Cổng Vàng", được thông qua sau hai ngày thảo luận của các lãnh đạo nền kinh tế APEC tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ. Văn bản này không đề cập chiến sự Ukraine, cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022. Đây là điểm khác biệt so với năm ngoái, khi APEC ra tuyên bố chung nói rằng "phần lớn các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine".
Chủ nhà Mỹ sau đó ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, nói rằng "hầu hết" thành viên APEC "lên án mạnh mẽ hành động gây hấn nhằm vào Ukraine".
Tuyên bố chung năm nay cũng không nhắc đến tình hình tại Gaza, nơi Israel và nhóm vũ trang Hamas giao tranh kể từ ngày 7/10. Trong tuyên bố của mình, Mỹ cho biết lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng.
Mỹ nói rằng một số lãnh đạo có quan điểm giống như thông điệp của Hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo ở Riyadh ngày 11/11. Trong khi đó, một số lãnh đạo phản đối việc đưa quan điểm này vào Tuyên bố Cổng Vàng, với lý do họ tin rằng APEC không phải là diễn đàn để thảo luận các vấn đề địa chính trị.
Brunei, Indonesia và Malaysia ra một tuyên bố chung cho biết họ nằm trong số các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ thông điệp của hội nghị thượng đỉnh Riyadh, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Gaza, đảm bảo nguồn cung hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho dân thường ở Gaza.
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự hội nghị tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ ngày 17/11. Ảnh: AFP
Trong Tuyên bố Cổng Vàng, lãnh đạo các nền kinh tế APEC tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Chúng tôi cam kết thực hiện những cải cách cần thiết đối với WTO để cải thiện tất cả chức năng của tổ chức này, trong đó có tiến hành các cuộc thảo luận nhằm đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp mà tất cả thành viên có thể tiếp cận vào năm 2024", theo tuyên bố chung.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế là điểm nhấn trong Tuần lễ Cấp cao APEC ngày 11-17/11 với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo sân chơi bình đẳng nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi. Chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở và giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó có giải pháp nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt, bền vững và rộng mở nhằm tạo ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể dự đoán, cạnh tranh và kết nối kỹ thuật số", tuyên bố chung nhấn mạnh.
APEC là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm gần 40% dân số thế giới và khoảng 60% GDP toàn cầu. Mục tiêu chính của APEC là thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. APEC có các thành viên như Australia, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Peru, Việt Nam và các nền kinh tế khác. Peru, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ lần lượt là nước đăng cai APEC năm 2024, 2025 và 2027.
Huyền Lê (Theo Reuters, Bernama)