Chuyên mục  


5 vũ khí nguy hiểm nhất của quân đội Ấn Độ

Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ tập trận tại Australia năm 2018. Video: IAF.

Ấn Độ nằm tại một trong những khu vực chiến lược quan trọng nhất thế giới, đồng thời liên tục trong tình trạng đối đầu với hai quốc gia láng giềng có tiềm lực quân sự đáng gờm là Trung Quốc và Pakistan. Điều này thúc đẩy New Delhi trang bị hàng loạt vũ khí hiện đại mua của nước ngoài hoặc tự phát triển, bên cạnh kho vũ khí hạt nhân mang tính răn đe chiến lược, theo National Interest.

Tiêm kích đa năng Su-30MKI đang là vũ khí hiện đại nhất trong biên chế không quân Ấn Độ, được Nga chế tạo riêng theo yêu cầu của New Delhi và đưa vào biên chế từ năm 2002.

Dòng Su-30MKI phát triển từ nền tảng tiêm kích hạng nặng Su-27, có tầm bay tới 3.200 km và tải trọng vũ khí hơn 8 tấn. Những tiến bộ về công nghệ điện tử đầu thế kỷ 21 đã tăng uy lực đáng kể cho Su-30MKI, trong đó nổi bật là việc trang bị radar N011M "Bars-M", một trong những radar đối không hiện đại nhất của Nga.

Bars-M có tầm theo dõi tới 400 km và đủ sức bám bắt mục tiêu từ cách 200 km. Trên lý thuyết, N011M đủ sức xác định tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc từ khoảng cách hàng chục km trong điều kiện tối ưu. Mỗi hệ thống Bars-M có thể theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa tấn công 4 mục tiêu trong số đó.

Vũ khí đối không chính của Su-30MKI là tên lửa tầm trung R-27 và RVV-AE có tầm bắn tới 120 km, cùng tên lửa tầm ngắn R-73 có độ cơ động vượt trội các vũ khí cùng loại của phương Tây. Trong nhiệm vụ đối hải và tấn công mặt đất, Su-30MKI có thể mang bom và tên lửa thông minh, trong đó có tên lửa đối đất tầm xa Kh-59 và tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos.

Không quân Ấn Độ đang biên chế ít nhất 240 chiếc Su-30MKI, con số này sẽ chạm mốc 272 chiếc trong năm nay sau khi Moskva hoàn tất những hợp đồng chuyển giao kỹ thuật cho New Delhi.

Tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" của Ấn Độ, là dự án hợp tác phát triển vũ khí giữa Moskva và New Delhi. Tên lửa sử dụng linh kiện và công nghệ của cả hai nước, trong đó Nga chịu trách nhiệm thiết kế tổng quát, cũng như chế tạo các hệ thống lõi gồm đầu dò radar, động cơ phản lực, nhiên liệu. Ấn Độ đảm nhận phát triển phần mềm, hệ thống điều khiển và khung thân tên lửa.

Tên lửa BrahMos treo dưới bụng tiêm kích Su-30MKI trong một đợt thử nghiệm. Ảnh: IAF.

Mẫu cơ bản của BrahMos dài 9 m, nặng 3 tấn, có tầm bắn 290-300 km, tốc độ 3.700 km/h, gấp ba lần vận tốc âm thanh. Đây là một trong những dòng tên lửa diệt hạm có tốc độ cao nhất thế giới hiện nay, có thể phóng từ tàu mặt nước, tiêm kích Su-30MKI và các hệ thống tên lửa bờ.

Sự kết hợp giữa tốc độ cao và khối lượng lớn giúp BrahMos có động năng khổng lồ khi va chạm với mục tiêu, bên cạnh sát thương chủ yếu của đầu đạn bán xuyên giáp nặng 200-300 kg. Tên lửa BrahMos được cho là có thể vô hiệu hóa hầu hết các loại tàu chiến lớn, hiện đại nhất thế giới chỉ với một phát bắn trúng đích.

Loại tên lửa này có thể duy trì tốc độ siêu thanh trong suốt hành trình bay bám biển ở độ cao chỉ 3-4 m và thực hiện động tác cơ động hình chữ S trước khi lao vào mục tiêu, khiến việc phát hiện và tiêu diệt chúng là cực kỳ khó khăn.

"Một tàu khu trục lớp Arleigh Burke không thể đánh chặn hơn 12 tên lửa BrahMos, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với hàng chục tiêm kích, tàu tuần dương và khu trục hạm hộ tống cũng không thể xử lý quá 64 quả đạn BrahMos cùng lúc", chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận xét.

Sở hữu lực lượng hải quân mạnh, nhưng Ấn Độ mới chỉ biên chế hai tàu ngầm hạt nhân tấn công gồm INS Chakra được thuê từ Nga và INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo do nước này tự đóng. Trong đó, chiếc INS Chakra được đánh giá cao hơn nhờ sở hữu nhiều vũ khí mạnh, cùng tính năng hiện đại dù đã vận hành từ lâu.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công INS Chakra thuộc Đề án 971 "Shchuka-B", mang tên K-152 Nerpa khi còn trong biên chế hải quân Nga, được Ấn Độ thuê với thời hạn 10 năm và đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Tàu ngầm INS Chakra trong một chuyến tuần tra. Ảnh: Twitter.

Đề án 971 "Shchuka-B" được Liên Xô biên chế vào năm 1986. Shchuka-B có thể lặn tới độ sâu tối đa 600 m, gấp đôi những tàu ngầm tương tự của Mỹ và đạt tốc độ tối đa lên tới 65 km/h. Tàu trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống phóng ngư lôi 650 mm, ba bệ phóng tên lửa phòng không Igla-M và 28 tên lửa hành trình RK-55 Granat có tầm bắn 3.000 km.

Tên lửa RK-55 Granat trên INS Chakra đã được Nga thay thế bằng hệ thống tên lửa đa năng Klub-S trước khi chuyển cho Ấn Độ, nhằm tuân thủ Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR), vốn cấm xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300 km.

"INS Chakra có thể ẩn mình lâu dài dưới nước, theo dõi và tấn công các mục tiêu giá trị cao như tàu ngầm Pakistan, tàu sân bay và khu trục hạm Trung Quốc khi nổ ra xung đột quy mô lớn. Nó cũng có thể tấn công những mục tiêu trên lãnh thổ đối phương nhờ tầm hoạt động không giới hạn", chuyên gia Roblin nói.

Tàu sân bay INS Vikramaditya được biên chế từ tháng 11/2013, thay thế cho chiếc INS Viraat đã quá lạc hậu.

Được chế tạo dưới thời Liên Xô với tên gọi "Baku", con tàu được trang bị vũ khí hạng nặng như một tàu tuần dương với hai pháo 100 mm, 12 tên lửa diệt hạm P-500 Bazalt và 192 tên lửa phòng không thuộc tổ hợp 3K95 Kinzhal. Tàu Baku được biên chế năm 1987 và loại khỏi biên chế hải quân Nga năm 1996, trước khi được Ấn Độ mua lại năm 2004.

Con tàu được Ấn Độ đại tu hoàn toàn, loại bỏ các vũ khí tiến công để lắp đặt đường băng cất hạ cánh cho tiêm kích hạm. Không đoàn máy bay Yak-38M cũng được thay thế bằng phi đội 26 tiêm kích MiG-29K/KUB hiện đại.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ

Tàu sân bay INS Vikramaditya trong quá trình thử nghiệm. Video: Rossiya 2.

INS Vikramaditya dài 282 m và có lượng giãn nước 44.000 tấn, nhỏ hơn 20% so với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Tuy nhiên, INS Vikramaditya có đầy đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu, trong khi tàu sân bay Trung Quốc chỉ có vai trò chính là huấn luyện.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, INS Vikramaditya sẽ là trung tâm nhóm tác chiến hùng hậu có nhiệm vụ phong tỏa cảng Karachi lớn nhất Pakistan, hoặc cắt đứt các tuyến hàng hải tối quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc.

Ấn Độ tỏ ý muốn mua 39 trực thăng tấn công AH-64E Guardian từ Mỹ vào năm 2013. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa năm ngoái thông qua hợp đồng trị giá 930 triệu USD, trong đó Washington sẽ bán cho New Delhi 6 chiếc AH-64E cùng vũ khí và trang bị kỹ thuật đi kèm trong năm 2019.

Việc biên chế những chiếc AH-64E sẽ tăng đáng kể năng lực tác chiến của không quân lục quân và không quân Ấn Độ, cho phép họ tấn công nhiều loại mục tiêu như tăng thiết giáp trong chiến tranh thông thường hay lực lượng phiến quân trong những chiến dịch chống khủng bố.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020