Phóng viên (PV): Chị bắt đầu gia nhập đội ngũ tiếp viên Vietnam Airlines từ khi nào?
Chị Nguyễn Thị Hải Nga: Tôi bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên trong bộ đồng phục tiếp viên hàng không Vietnam Airlines từ tháng 8-1992.
PV: Nhiều người cho rằng nghề tiếp viên là một nghề rất đặc thù, đòi hỏi người trong nghề phải hy sinh nhiều, đặc biệt là phụ nữ. Chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Khi đã chọn gắn bó với nghề nghiệp khai thác dịch vụ như tiếp viên hàng không, tôi và các đồng nghiệp luôn xác định rõ yêu cầu nghiệp vụ, tính chất đặc thù của công việc. Vào các dịp nghỉ hè, lễ Tết, khi nhà nhà, người người đều sum vầy, quây quần bên mái ấm gia đình cũng là lúc các tiếp viên bước vào mùa cao điểm. Nhu cầu di chuyển trong và ngoài nước của hành khách tăng mạnh, đội ngũ tiếp viên càng phải nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm trên từng chuyến bay, từng tình huống. Khoảnh khắc cả gia đình đã hội tụ đầy đủ thành viên cùng chờ đón Giao thừa, mình lại xách va li ra sân bay đến một vùng đất lạ… với tôi và đồng nghiệp dần thành chuyện đã quen. Vẫn biết, đó là đặc thù công việc, nhưng sâu trong lòng, tôi luôn an tâm, hạnh phúc khi được gia đình chia sẻ, yêu thương.
PV: Ngoài những điều chị đã chia sẻ, có tình huống nào trong công việc từng làm khó chị không?
Có không ít tình huống đòi hỏi người tiếp viên phải thật nhanh trí, tinh tế và tận tụy để xử lý thật chính xác, hợp lý hợp tình. Tôi nhớ, có một lần, trên hành trình từ Việt Nam đến sân bay Narita – Nhật Bản, một nữ hành khách cao tuổi bỗng kêu khó thở. Khi đó, hành trình đã bay được hơn hai giờ. Chúng tôi tìm được một bác sĩ người Nhật. Phải chờ ba giờ máy bay mới hạ cánh, nhưng theo bác sĩ, cần hạ cánh khẩn cấp, không thể chờ đợi. Tổ bay đã nhanh chóng liên lạc với sân bay tỉnh Fukoka (Nhật Bản) và nhận được sự đồng ý trợ giúp. Rất may sau đó, bệnh nhân được chuyển đi cấp cứu kịp thời. Tôi còn nhớ vị bác sĩ người Nhật đã rất xúc động và khen: "Vietnam Airlines đã đặt an toàn của hành khách lên cao nhất. Điều đó thật tuyệt. Nếu không, nguy cơ xảy ra với bệnh nhân đã rất nghiêm trọng."
PV: Đó có phải kỷ niệm đáng nhớ nhất gắn với nghề của chị không, hay có kỷ niệm nào khác để lại trong chị nhiều ấn tượng, cảm xúc hơn không?
Thật ra khoảnh khắc đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là trường hợp những hành khách không thể bay chuyến sớm để về đoàn tụ bên gia đình trước giao thừa. Họ gồm những người Việt kiều trở lại quê hương mỗi dịp Tết đến xuân về, những người từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc... Chuyến bay của họ hạ cánh khi chỉ còn vài phút nữa là giao thừa điểm. Trước thời khắc đó, tôi đoán mỗi hành khách đều nén trong lòng niềm thương, nỗi nhớ gia đình, ai cũng mong ngóng sớm được về nhà. Vậy mà khi chuyến bay vừa đáp, không một ai than lời nào về việc không kịp về nhà đón giao thừa, mà mọi người cùng hân hoan cất lời "Chúc mừng năm mới!" và cảm ơn tổ bay về một chuyến bay an toàn. Để đáp lại tình cảm từ hành khách, chúng tôi cũng tặng cho hành khách những món quà đón giao thừa trên không như phong bao lì xì, bánh chưng, dưa hành, giò lụa… Với tôi, đó là những chuyến bay không thể nào quên vì không khí đoàn viên, chia sẻ giữa những người xa lạ đã diễn ra ấm áp giữa bầu trời. Chính chúng tôi cũng biết ơn những phút giây đặc biệt ấy.
PV: Là người trong nghề, chị đánh giá như thế nào về sự chất lượng dịch vụ hàng không của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng?
Hòa nhịp vào sự phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hàng không Việt Nam, các hình thức phục vụ hành khách ngày càng được quan tâm trên nhiều phương diện với mục đích giúp hành khách an toàn, hài lòng, thêm trải nghiệm đẹp trên mỗi chuyến bay.
Về phía Vietnam Airlines, hãng đang tích cực đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam trên mỗi chuyến bay. Các loại trái cây theo mùa nổi tiếng khắp dải đất hình chữ S như cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… được lựa chọn đúng tiêu chuẩn đều có mặt trên các chuyến bay phục vụ hành khách. Những "chuyến bay Trung thu", "chuyến bay 1-6" mang đến cả một thế giới tuổi thơ với những con vật ngộ nghĩnh tặng các hành khách nhí và những hoạt động giao lưu vui nhộn được cả người thân các bé hưởng ứng nhiệt tình…
PV: Sau gần 30 năm làm tiếp viên, chị cảm nhận như thế nào về công việc này?
"Nghề bay" thật lạ! Luôn lắng đọng trong chúng tôi nhiều trải nghiệm và giây phút rất diệu kỳ. Và tôi cũng luôn nghĩ rằng, bất cứ nghề nghiệp chân chính nào, một khi chúng ta đã đam mê, gắn bó đều trở thành khởi nguồn cho mọi giá trị tốt đẹp trên đời.
Làm nghề tiếp viên, chúng tôi coi mình có vai trò như những sứ giả kết nối các miền đất, con người, văn hóa, cảm xúc… đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới. Thông qua sự kết nối và sẻ chia đó, cảm xúc về bầu trời rộng lớn, về những ước mơ bất tận của con người, về tình yêu thương sẽ không chỉ là cảm xúc của riêng tôi và các đồng nghiệp - những người phi công, tiếp viên làm "nghề bay", mà tôi tin đó cũng là cảm xúc của triệu triệu hành khách khi họ nhận được sự hướng dẫn, chăm sóc tận tình từ phi hành đoàn trên mỗi chuyến bay.