Chuyên mục  


Ngày 10/10/2020 tới đây tại Hà Nội, buổi tọa đàm “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo” sẽ được tổ chức với sự trình bày của Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Cùng thảo luận với diễn giả là nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Phục dựng lại những tinh hoa văn hóa Việt

Thăng Long nghìn năm văn vật chứa đựng rất nhiều những “vàng son một thuở” của người Việt – đặc biệt là những công trình kiến trúc cổ. Vậy, cơ hội nào cho những người đương thời có thể chiêm ngưỡng chúng một cách trực quan và chân thật gốc tích nhất trước sự mai một không còn vẹn nguyên từ quá khứ xưa?

Thời đại 4.0 với những nền tảng công nghệ số chính là lời giải đáp cho thắc mắc này.

Cụ thể, một nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ và các bạn trẻ yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam đã thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu – Việt sử lược) tại chùa Diên Hựu – chùa Một Cột, Hà Nội trên không gian số bằng công nghệ thực tế ảo (VR). 

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương cho rằng chùa Một Cột thực chất là Liên Hoa Đài – một tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di. Tháp này nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một bình đồ đồng tâm, đa tầng gồm 2 ao Linh Chiêu, Bích Trì, 1 vòng hoàn lang, 5 cầu gỗ (phi kiều), 4 sân diễn xướng Tứ Thiên Vương và hành lang giải vũ. Đó là một bình đồ tiêu chuẩn của một Mandala theo thế giới quan Phật giáo…

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, mặc dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng cách thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.

Áp dụng thực tế ảo cho công trình “sống”

Nhằm giúp các nhà lịch sử có thể tái lập lại kiến trúc Chùa Một Cột huy hoàng một cách chính xác, nguyên bản, như “bằng xương bằng thịt” và giúp người xem có cơ hội chiêm ngưỡng công trình này một cách sinh động nhất, nhóm SEN Heritage đã đưa sản phẩm VR3D Diên Hựu hoàn thành ra mắt công chúng sau 3 năm nghiên cứu và áp dụng, dựa trên các yếu tố nghiên cứu, khảo cổ, văn bia cùng mối tương quan trong cùng giai đoạn lịch sử, kiến trúc, tôn giáo của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Nhóm SEN mong muốn một ngày nào đó, người Việt thế kỷ 21 có thể cất những bước đi trong ngôi chùa Diên Hựu lịch sử, đắm mình giữa không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình, “đưa tay chạm vào hiện vật ngàn năm” để hiểu được nét tài hoa của cha ông qua từng nét chạm nét khắc kiến trúc…

Công nghệ thực tế ảo (virtual reality – VR) đã không còn xa lạ với con người trong thời đại sống số trong vài năm trở lại đây. Với VR3D Diên Hựu, mọi người tham gia đều có thể “đeo kính” để dạo chơi và khám phá trong không gian linh thiêng, hào hoa của ngôi chùa Việt gần tròn nghìn tuổi. Cũng từ đây, chúng ta có thể hy vọng xa hơn về việc phục dựng, “xây cất” lại những công trình kiến trúc cổ đỉnh cao khác tại Việt Nam, rút ngắn khoảng cách giá trị lịch sử của dân tộc.

Về SEN Heritage

SEN Heritage là một dự án nghiên cứu, đề xuất ứng dụng và quảng bá Di sản Việt Nam vào đời sống xã hội hiện tại do một nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ, và các bạn trẻ yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam thành lập.

Các thành viên chủ chốt của nhóm gồm Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (CEO VNI, Holomia), Họa sĩ Trần Thanh Tùng (Hội quán Di sản), TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), và các thành viên khác như Duy Nguyễn, Hiệu Sicula, Lê Minh Quân, Phạm Minh Tùng, Nguyễn Huy…

Sản phẩm chính của SEN là các mẫu công trình kiến trúc, vật phẩm văn hóa và phần mềm thăm quan, phục vụ các công tác bảo tàng (trình bày thực tế ảo, thuyết minh), và phục vụ giáo dục kiến thức lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhà trường. VR3D chùa Diên Hựu – Một Cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm trong chương trình tái lập (reconstruct) các di sản kiến trúc – mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác.

Tọa đàm “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo”, người tham dự sẽ được đeo kính trải nghiệm công nghệ thực tế ảo – “bước đi” và chiêm ngưỡng trong không gian kiến trúc lộng lẫy của Chùa Một Cột. 

TS Trần Trọng Dương sẽ trình bày về quá trình nghiên cứu đưa ra giả thiết về kiến trúc của Chùa Một Cột, quá trình nhóm kiến trúc sư và công nghệ hiện thực hóa giả thiết và “dựng” kiến trúc này trên không gian số. Cùng thảo luận với TS là các diễn giả khách mời gồm nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS. TS. Nguyễn Văn Huy.

Thời gian: 14h30 ngày 10/10/2020Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Độc giả đăng ký tham dự tọa đàm theo đường link: https://bit.ly/30rk1W6

Tổng hợp | Ban Biên Tập

XEM THÊM:

  • 225 Polk Avenue Office Space – Tái sử dụng công trình lịch sử | HASTINGS Architecture
  • Classic Houses: Kings Road House – Ngôi nhà với những biến động lịch sử | Rudolf Schindler
  • Vọng Hương – Cảnh quan chữa lành tâm hồn | Guangzhou S.P.I Design

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020