Chuyên mục  


Sau nhiều tháng suy đoán về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ, cuối cùng cơ quan này cũng thực hiện với mức cắt giảm lãi suất 0,5%.

Ngay lập tức, giá vàng thế giới tăng liên tiếp hai ngày cuối tuần. Chốt phiên giao dịch 20/9, mỗi ounce vàng giao ngay tăng 36 USD lên 2.621 USD, mức cao nhất lịch sử. Kéo theo đó, giá vàng nhẫn trơn trong nước cũng tiến lên mức kỷ lục 80,5 triệu đồng một lượng.

Vàng liên tiếp lập kỷ lục sau khi Fed giảm lãi suất. Nguồn: CNBC

Diễn biến giá vàng trở thành tâm điểm trong tuần giao dịch mới và nhiều người mong đợi đà tăng có thể tiếp diễn. Trong 19 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát của Kitco News, 9 người dự kiến vàng tăng tiếp trong tuần mới, trong khi 8 chuyên gia thận trọng rằng giá sẽ đi ngang. Chỉ có hai chuyên gia tin rằng kim loại quý sẽ giao dịch ở mức giá thấp hơn.

Kịch bản lạc quan cũng bắt gặp ở 189 nhà đầu tư trên Main Street. 68% dự đoán giá vàng sẽ tăng. Tỷ lệ này nhiều hơn hẳn so với 15% nhà đầu tư ở chiều ngược lại. Ngoài ra, 17% người tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập về kim loại quý.

Tuần này, thị trường sẽ chờ đón loạt dữ liệu quan trọng bao gồm chỉ số S&P Flash PMI, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, doanh số bán nhà mới và GDP quý III. Nhưng dữ kiện quan trọng hơn nằm ở Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 8, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại sàn giao dịch Forex, cho biết vẫn lạc quan về giá vàng. Mặc dù có thể xuất hiện pullback (đợt điều chỉnh giá ngắn hạn ngược lại xu hướng thị trường), người mua vẫn đang trong tâm lý rất hào hứng với kênh tài sản này. Do đó, chuyên gia giữ lập trường rằng vàng sẽ tăng giá vào tuần này.

Giải thích sâu hơn, Adam Button, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại Forexlive, cho rằng sự suy yếu của USD là động lực chính cho vàng ngay lúc này. Nếu đồng đôla Mỹ yếu đi do nền kinh tế thế giới đang mạnh lên, ví dụ như Trung Quốc, chúng ta đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng toàn cầu và vàng sẽ có dấu hiệu tích cực. Mặt khác, nếu xuất hiện một cuộc suy thoái và Fed đang cắt giảm lãi suất nhanh để đối phó, vàng vẫn hướng lợi vì được xem như kênh trú ẩn an toàn.

Button cho biết ông đang cố gắng tìm kiếm điểm yếu của vàng, nhưng hiện tại chỉ thấy những gam màu tươi sáng. Nếu nhìn lại từ năm ngoái đến nay, kim loại quý đã vượt qua mọi bài kiểm tra khó nhằn. Ngay cả trong 6 tháng qua khi Trung Quốc đã ngừng mua vàng và USD mạnh lên, nó vẫn không bị ảnh hưởng quá lớn. Vàng cũng trụ được khi chứng khoán và tiền số bật lên. Do đó theo Button, giá vàng lên 2.750 USD hay 3.000 USD cũng là kịch bản có thể xuất hiện.

Theo Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn dự kiến đã mang lại sự thèm muốn đối với các tài sản rủi ro. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm cũng làm tăng sự quan tâm đến vàng. Mối tương quan nghịch đảo này hoạt động tốt vào năm ngoái nhưng đã bắt đầu thất bại trong năm nay khi giá vàng và lợi suất tăng cùng thời điểm. "Nếu đây không phải là dấu hiệu của một cuộc tháo chạy khỏi USD, nó có thể là một dấu hiệu cho thấy vàng đang gần đạt đỉnh", ông nói.

Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada của StoneX Bullion tỏ ra bi quan về triển vọng của vàng trong tuần tới nhưng vẫn lạc quan trong dài hạn. Về mặt kỹ thuật, vàng vẫn trong xu hướng tăng mạnh. Nhưng ông lưu ý nhà đầu tư nên quan sát kỹ các tín hiệu chốt lời và đảo chiều ngắn hạn vì thực tế đang xuất hiện nhiều dữ liệu cho thấy thị trường sắp đón trạng thái quá mua.

Tiểu Gu (theo Kitco News)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020