Chuyên mục  


Cũng trong năm ấy, Hờ A Tú, con trai đầu của họ chào đời. Từ đó đến nay, cặp vợ chồng người Mông sinh tiếp bốn đứa trẻ nữa, đặt tên lần lượt là Sức, Vui, Cháy, Dinh.

Sức yếu lại đẻ nhiều nên Giàng Thị Phúc ngày một gầy yếu. Ở tuổi 32, mặt cô sạm đen, nặng chỉ 38kg, chân tay run lẩy bẩy nên không đi nương được. "Vợ chỉ biết tiếng Mông nên cũng không đi đâu khỏi bản, chỉ ở nhà trông con", Hờ A Dà ở thôn Xà Phìn 2, Xá Tổng, Mường Chà nói.

Dà cho lũ trẻ đi học hết vì biết ở trường có ăn bán trú. Ba đứa lớn cứ đầu tuần đi bộ hơn 4 km ra trường trung học. Đứa 7 tuổi và đứa nhỏ 3 tuổi sáng đi chiều về vì điểm trường ngay trong bản.

Nhưng chỉ nuôi con hai ngày cuối tuần, gạo cũng không đủ. Ông bố cho biết, mấy năm trước, cứ sang tháng 2 vợ anh đã phải vác rá đi vay gạo của hàng xóm, họ hàng.

Vài năm nay, nhờ có con chữ, lại có xe máy cũ anh Dà đi khắp huyện làm phụ hồ. Nếu quanh huyện không có việc, Dà theo người trong bản đi Nghệ An cạo mủ thông. Thu nhập giúp cả nhà có thịt, cá.

Hờ A Dà và vợ (áo vàng) cùng 5 đứa con trước cửa nhà ở xã Xà Phìn II, hôm 21/9. Ảnh: Hờ A Dà

"Vờ chồng Dà chịu khó làm ăn nhưng lấy nhau sớm lại con đông nên vất vả", anh Giàng A Phong, trưởng thôn Xà Phìn 2, nói.

Là một trong 74 hộ nghèo, trong tổng số 127 hộ sinh sống tại bản, Dà tự dựng được ngôi nhà gỗ hơn 30 m2 nền đất, tường ván, mái ngói, được trưởng thôn đánh giá "kiên cố". Năm ngoái, Hờ A Tú, con trai cả của Dà và Phúc học xong lớp 9 đã nghỉ học đi chăn trâu thuê, đóng góp thêm gạo, thịt vào bữa cơm gia đình.

Nhưng đầu tháng 9 năm nay, Tú đột nhiên thấy bụng phình lên, không thể đại tiện, tiểu tiện, mệt mỏi, chán ăn. Dà vay được 2 triệu đồng, chạy xe máy 130 km đến bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên khám cho con.

Bác sĩ kết luận Tú mắc hội chứng thận hư, gây mất chức năng năng lọc và loại bỏ chất thải của cơ thể. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và cần điều trị lâu dài.

Dà nghỉ làm, ở viện chăm con. Chưa đến tháng 2 nhưng vợ chồng họ đã phải đi quanh xóm vay gạo, vay tiền. Chi phí điều trị của Tú dựa hết vào hỗ trợ từ bệnh viện, các mạnh thường quân và các tổ chức từ thiện.

Hôm 18/9, Tú được cho ra viện, đợi đến kỳ lại tái khám. "May trong túi vẫn còn 200 nghìn đổ xăng để chở con về", Dà nói. Ông bố người Mông sẽ phải ở nhà đến khi sức khỏe con trai đầu ổn định trở lại vì trong nhà toàn trẻ nhỏ, vợ lại ốm yếu.

Trưởng thôn Giàng A Phong cho biết, mọi người trong thôn đều thương gia cảnh Dà nhưng ai cũng nghèo, quỹ thôn không có nên không thể giúp được gì. Điều khiến anh trưởng thôn 34 tuổi phải trăn trở là tuyên truyền, khuyên bảo nhiều, nhưng ở Xà Phìn 2, tình trạng tảo hôn như vợ chồng Dà hiện vẫn tồn tại.

''Có đứa bỏ học giữa chừng, có đôi lấy nhau về ít bữa là bỏ, trẻ con sinh ra suy dinh dưỡng hoặc người phụ nữ ốm yếu vì sinh con khi chưa trưởng thành, giống Phúc'', anh Phong nói.

Hờ A Dà nói lấy vợ năm 16 tuổi vì chưa được cán bộ thôn bản nhắc nhở, chỉ làm theo tập tục của cha ông bao đời. Lấy nhau, sinh con rồi, Dà mới biết mình sai. ''Nếu cho làm lại, không lấy vợ sớm đâu. Phải đi học, đủ tuổi Nhà nước cho mới cưới vợ kia'', anh nói.

Thế nên, sáng cuối tuần, khi đàn con từ trường lớp về, ngồi bên mâm cơm chỉ có rau cải luộc, Dà dặn bọn trẻ đi học kiếm cái chữ, đừng lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ khổ.

Tú, cậu con cả chỉ kém bố mẹ 16 tuổi, nghe trong im lặng. Giờ có được bố khuyến khích lấy vợ cậu cũng chẳng màng.

''Em chỉ mong có tiền lấy thuốc uống cho khỏi bệnh để đi chăn trâu thuê kiếm tiền mua cho mẹ và các em bữa cơm có thịt'', Tú nói.

Phạm Nga

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.

Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020