Chuyên mục  


Ngày nay, một trong trong những giải pháp hữu hiệu của mô hình kiến trúc xanh đó là sử dụng vật liệu sinh học dạng thô có thể phân hủy được. Có thể coi đây là kiểu kiến trúc đem chúng ta “về lại với ngày xưa” nhưng chính nó lại là xu hướng kiến trúc tiết kiệm chi phí xây dựng, thúc đẩy kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường phát triển. Dưới đây là một số nhà hàng sở hữu thiết kế độc đáo chứng minh điều đó.

Ảnh: Phan Quang

Các dự án xây dựng mô hình nhà hàng này khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí bằng việc sử dụng những nguyên liệu tự nhiên có sẵn mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn trong quá trình xây dựng.

Những vật liệu có thể sử dụng dùng để xây dựng phần mái như rơm, rạ, cây sậy, lá cọ, đất sét hay gạch ngoài ra còn có thể sử dụng rất nhiều những nguyên liệu khác. Sau khi hoàn thành phần khung bằng gỗ hoặc tre, người ta sẽ lợp mái bằng các nguyên liệu kể trên một lượt đầu tiên, lượt thứ hai sẽ được thiết kế, sắp xếp khéo léo và điểu chỉnh sao cho đẹp mắt. Kết quả là ta thu được một ngôi nhà có phần mái độc đáo với những hình dạng và kích thước khác nhau tùy theo các vùng miền.

Cafe Gió và Nước (wNw) | VNT Architects

  • Hoàn thành: 2006
  • Ảnh: Phan Quang

Gió và Nước là đứa con tinh thần của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự. Công trình là sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố nước và gió (wind and water). Toàn bộ phần mái của công trình được thiết kế bằng cấu trúc tre lượn sóng rất chắc chắn và lạ mắt. Kết hợp với hệ thống ánh sáng, vào ban đêm, nơi đây giống như một chiếc đèn lồng khổng lồ lấp lánh.

Dự án sử dụng các nguyên tắc của thiết kế khí động học. Khi thiết kế các không gian được sử dụng để nghiên cứu luồng không khí và khả năng làm mát của nước. Những nghiên cứu này đã làm giảm việc sử dụng năng lượng điện điển hình là điều hòa.

Toàn bộ công trình được xây dựng bởi 7.000 cây tre đã được xử lý bằng phương pháp truyền thống của Việt Nam. Cấu trúc tre không có cột bê tông, nhưng sử dụng các thanh giằng dây. Mái nhà hình chữ V liên quan đến cây cối xung quanh và tạo ra không gian mở với khung cảnh ngoạn mục.

Nhà hàng Lã Vọng Hồ Rộc Vòn | VTN Architects

  • Hoàn thành: 2015
  • Diện tích: 1100m2
  • Ảnh: Nhiếp ảnh gia Hoàng lê, Lê Anh Đức – AIF STUDIO

Để tạo nên một không gian riêng và tránh đi sự ồn ào bên từ bên ngoài, nhà hàng được thiết kế thấp hơn mặt đường. Sau khi bước xuống từ con đường bên, các thực khách sẽ được chiêm ngưỡng một hồ nước tự nhiên với mái bằng tre ở trên đầu. Không gian bên dưới các cột được thông gió tự nhiên và được làm mát bằng cách bốc hơi nước từ hồ liền kề.

12 cột tre kết hợp với nhau vươn dần lên hỗ trợ cho phần mái bên trên. Sân khấu trung tâm được thiết kế thành hình cong để chuẩn bị cho các sự kiện diễn ra cùng một lúc, tạo ra không khí ấm cúng và tự nhiên cho các thực khách. Tre được xử lý bằng  phương pháp truyền thống tự nhiên của người Việt Nam để đạt được chất lượng tốt và có độ bền lâu dài. Việc xử lý tự nhiên cũng góp phần vào sự bền vững của các công trình xây dựng.

Nhà hàng này tạo ra một không gian nơi khách có thể cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ với văn hóa địa phương của miền Bắc Việt Nam. Việc áp dụng một không gian mở và sử dụng vật liệu tự nhiên có vai trò giống như một sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Nhà hàng Tre Kim Bôi | KTS. Trần Bá Tiệp

  • Hoàn thành: 2016
  • Diện tích: 700m2
  • Ảnh: Hoàng Lê

Xem thêm: Nhà hàng nón làm từ tre độc đáo tại Hòa Bình

Đây là công trình mang dấu ấn đặc biệt của cảnh quan thiên nhiên, là sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và ẩm thực độc đáo. Các nhà đầu tư đặc biệt coi trọng việc bảo tồn cảnh quan môi trường tự nhiên của nơi đây cũng như đưa các yếu tố đặc trưng của làng quê Việt Nam vào công trình.

Kiến trúc độc đáo của nhà hàng được lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc nón lá truyền thống và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, đơn giản nhưng không kém phần sang trọng.

Tận dụng các cột và dầm bê tông có sẵn, các kiến trúc sư đã nghiên cứu để thiết kế cấu trúc hỗ trợ mái với 12 khung tre dựa vào sàn và 24 khung trên dầm bê tông. Giải pháp cấu trúc này mang đến cho mọi người một khung cảnh lãng mạn bên ngoài mà không bị cản trở. Nhà hàng có hình nón lá có diện tích hơn 700m2 và cao 15 mét.

Tre được kết nối với nhau bằng đòn roi và bu lông tre để tạo thành một khung trên sàn trước khi được cẩu lên. Khung tre kết nối với móng và dầm bê tông bằng ống kim loại, ghim sắt giúp kết cấu ổn định. Kỹ thuật xây dựng này rất dễ thực hiện bởi công nhân có tay nghề thấp với các công cụ đơn giản.

Loại tre được sử dụng là tre sắt (tre nguyên khối, tên địa phương là “tầm vông”) với các tính chất cơ học thích hợp như chịu áp lực cao, dễ uốn cong. Mái nhà được làm bằng lá tự nhiên rất nhẹ và dễ tạo hình. Ở giữa, có một giếng trời đường kính 1,56 mét để có được ánh sáng tự nhiên.

Có thể nói, công trình này đã thể hiện khéo léo rằng tre không thua kém sắt thép về độ bền cũng như độ chắc chắn. Hơn nữa, tre mang lại cho công trình sự độc đáo về không gian và thể hiện được nét đẹp văn hóa dân tộc.

Nhà hàng Suối Moọc | RÂU ARCH

  • Hoàn thành: 2016
  • Diện tích: 380m2
  • Ảnh: Hùng Râu Kts

Xem thêm: Điểm dừng bên suối Moọc

Dự án là sự kết hợp của nhà ở, nghỉ dưỡng, nhà hàng và dịch vụ ăn uống, được xây dựng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch đến thăm suối nước Moọc. Tầng đầu tiên của tòa nhà là khu dân cư dành cho du khách và các dịch vụ phụ trợ như nhà bếp, kho, khu vực vệ sinh và tắm rửa, và gạch ốp tường được trang trí bằng đá nghiền nhỏ.

Về kiến trúc tổng thể, dự án sử dụng nguyên liệu thô để phù hợp với vật liệu hiện đại để đảm bảo công trình bền vững vì khu vực xây dựng là nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt và bão.

Nhà hàng The Cloud | a21studio

  • Hoàn thành: 2015
  • Diện tích: 126m2
  • Ảnh: a21studio

“The Cloud” là một nhà hàng thiết kế độc đáo có diện tích khá khiêm tốn với sức chứa khoảng 60 thực khách, tọa lạc trên đỉnh đồi khu I-resort, Nha Trang.

“The Cloud” được hình thành qua những trải nghiệm trong nhiều năm sinh hoạt, ăn ở tại công trường, quá trình xây dựng đã mang đến rất nhiều bất tiện cho những người xung quanh, từ tiến độ, cách xử lý các nguồn vật liệu đến cách thức xây dựng. Hơn nữa, tiếng ồn và khói bụi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Chính vì lý do đó, a21 studio đã cố gắng thay đổi cách thức làm việc từ thiết kế đến xây dựng công trình bằng việc đơn giản hoá suy nghĩ, sử dụng những thứ sẵn có tại công trường, hoặc gần đó, ít có sự gia công nhất có thể.

“The Cloud” có một thuận lợi đó là thừa hưởng những kinh nghiệm, vật liệu mà đơn vị đã đúc kết sau hơn 5 năm làm việc tại I – resort. Thay vì cắt gọt điều chỉnh thành modules cụ thể, a21 studio đã quyết định giữ nguyên những thân gỗ, hạn chế cắt gọt, đồng thời tận dụng những module sẵn có, sắp xếp chúng tại thành một kết cấu truyền thống, thường được những người thợ sử dụng khi đóng các bộ ván, bàn gỗ. Một lồng đèn lớn (big lantern), với kết cấu là hệ khung sắt nhẹ, che phủ bởi những tấm bạt nhiều màu sắc, vừa đóng vai trò như nguồn sáng chính cho nhà hàng, vừa là điểm nhấn của khu resort khi có thể quan sát từ phía thành phố, bên kia sông Cái, và còn là hệ mái che mưa, nắng cho công trình.

Ngoài ra, nhà hàng thiết kế độc đáo này của a21 studio còn tận dụng các tảng đá bìa, một thứ rất phổ biến tại các công trường đá ở địa phương, thường được đập làm đá vụn sau khi phần thịt đã được cắt xẻ. Những tảng đá này được mang đến công trường, lắp dựng đơn giản cùng với một chiếc thuyền cũ đặt lên trên nhằm che phủ cho quầy bar. Kết cấu này đã làm nhẹ đi quá trình xây dựng móng, vốn thường diễn ra rất phức tạp và chiếm một phần lớn trong chi phí xây dựng tổng công trình.

Qua “The Cloud”, a21 studio muốn thay đổi cách suy nghĩ, tiếp cận của mình từ quá trình thiết kế, việc xây dựng có thể trở nên nhẹ nhàng hơn, ít lãng phí sức lực, đồng thời có thể tận dụng tốt nguồn nguyên vật liệu xung quanh mình mà vẫn thể hiện được sức nặng của các phần vật liệu trong đó.

Nhà hàng Bamboo Long House | BambuBuild

  • Diện tích: 615 m²
  • Hoàn thành: 2017
  • Ảnh: Trần Quang
  • Nhà sản xuất: Bambubuild

Bamboo Long House là một nhà hàng có thiết kế giống như một chiếc thuyền khổng lồ tọa lạc ngay bên cạnh một con sông ở miền Trung Việt Nam. Toàn bộ phần mái của nhà hàng thiết kế độc đáo này được lợp bằng lá dương xỉ, một vật liệu rất phổ biến ở địa phương

Phần khung được làm bằng tre và kết nối với nhau bằng bu lông tre và dây polyester. Các khung modun thì được thiết kế, kết nối sẵn trước khi lắp đặt để tạo tính chính xác cao cũng như thuận tiện trong việc xây dựng, tốc độ thi công cao. Khung tre có nhịp khoảng 7 mét, mái đúc hẫng khoảng 3 mét, tạo không gian bán ngoài trời giữa bên trong và bên ngoài.

Khung tre được bố trí dọc theo chiều dài của tòa nhà, khoảng cách giữa 2 khung là 2 mét. Hiệu suất lặp lại của cấu trúc tre tạo ra nhịp điệu của không gian bên trong. Nhà hàng Tre Long House phản ánh đầy đủ các nguyên tắc thiết kế cấu trúc tre, tre cần được bảo vệ khỏi độ ẩm, nấm, côn trùng, sâu:

  • Tre nên để dưới mái nhà, ra khỏi mặt đất, tiếp xúc với nước.
  • Không gian mở, thông gió tốt để giữ cho tre khô ráo.
  • Mái nhà nhô ra rộng.
  • Cấu trúc nên nhìn thấy được, dễ dàng phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, nấm hoặc côn trùng tấn công.

Biên dịch: Đàm Thủy (Nguồn: Archdaily)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020