Chuyên mục  


Đây là nội dung được thảo luận tại hội thảo về đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu ở các trường đại học chuyên về kinh tế, kinh doanh, ngày 6/12, do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức.

Trong xu thế đa ngành, vài năm trở lại đây, nhiều trường nhóm này mở thêm các ngành công nghệ. Năm 2024, Đại học Kinh tế quốc dân mở 6 ngành mới, gồm bốn ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin (Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin). Trường Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển ngành Khoa học máy tính.

Đại học Kinh tế TP HCM cũng đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo với hai chương trình Robot và Trí tuệ nhân tạo, Điều khiển thông minh và Tự động hóa. Trong khi Học viện Tài chính dự kiến mở ngành Khoa học dữ liệu, Toán tài chính.

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của VIASM, các ngành công nghệ nói chung có nòng cốt là kiến thức Toán, Tin học. Ở những trường kỹ thuật, hàm lượng Toán, Tin trong các ngành này thường chiếm khoảng 80%. Con số này ở trường kinh tế là 50%, còn lại dành cho kiến thức chuyên ngành như kinh tế, kinh doanh.

"Thách thức lớn nhất là làm thế nào đào tạo năng lực của ba lĩnh vực Toán, Tin, chuyên ngành và tạo sự kết nối giữa chúng trong 4 năm - thời gian thông thường để đào tạo một lĩnh vực", ông Bảo nhận định. "Làm sao sinh viên học được nhiều như thế?".

GS Hồ Tú Bảo tại hội nghị, hôm 6/12. Ảnh: Thanh Hằng

PGS.TS Hà Minh Hoàng, giảng viên trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân, thừa nhận đây là một áp lực và thách thức khi trường mở loạt ngành công nghệ trong năm nay.

Trong chương trình Khoa học dữ liệu, 65% hàm lượng kiến thức là Toán và lập trình, công nghệ thông tin, còn kinh doanh, kinh tế khoảng 20%. Tỷ lệ này ở chương trình Trí tuệ nhân tạo lần lượt 77 và 8%.

Để đào tạo hiệu quả, ông Hoàng cho rằng các trường cần tìm được nhóm "sinh viên đích" - có năng lực học với hàm lượng kiến thức như trên. Chẳng hạn với Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, trường muốn tuyển được các em chuyên Toán, Tin và có đam mê kinh doanh.

Trong quá trình đào tạo, kiến thức của các lĩnh vực cũng cần được chọn lọc và tích hợp, tạo sự liên kết với nhau. Ông Hoàng lấy ví dụ các môn về công nghệ cần được dạy thông qua các vấn đề thực tế trong kinh tế, kinh doanh. Ngược lại, những môn chuyên ngành cũng cần đan xen kiến thức Toán, Tin và cho sinh viên thực hành để cân bằng.

Đồng tình, PGS.TS Trần Thị Oanh, Phó trưởng khoa Các khoa học ứng dụng, trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng vì không thể dạy tất cả, các trường cần chọn được những môn nền tảng của mỗi lĩnh vực.

"Khoa học máy tính thì không thể thiếu Cấu trúc dữ liệu giải thuật, Cơ sở dữ liệu", bà Oanh nhìn nhận. "Một khi sinh viên có nền tảng và kiến thức cơ bản rồi, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm".

Ngoài chương trình bắt buộc, các trường đều có thêm những học phần tự chọn và chuyên sâu, lấy chứng chỉ. Sinh viên muốn học sâu về lĩnh vực nào được khuyến khích chọn môn tương ứng.

PGS.TS Hà Minh Hoàng tại hội nghị, hôm 6/12. Ảnh: Thanh Hằng

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng cần đổi mới phương pháp dạy và học. Theo GS Hồ Tú Bảo, chương trình rộng nhưng thời gian học chỉ có 4 năm, nên không thể duy trì cách truyền tải truyền thống, một chiều như trước. Sinh viên cần được học thông qua dự án, thực tiễn để có cơ hội ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Bà Oanh đồng tình. Bà cho biết đang phụ trách môn Học máy (Machine learning) với nhiều thuật toán mà trong giới hạn chương trình không thể giới thiệu chi tiết được tất cả. Vì vậy, bà chọn cách chia sẻ một số điển hình, tách lớp thành các nhóm theo chủ đề, đưa ra yêu cầu và hướng dẫn sinh viên tìm hiểu. Sau đó, các em sẽ thuyết trình và cùng thảo luận, đặt câu hỏi.

"Cách học này trao sự chủ động cho sinh viên. Quá trình chuẩn bị bài sẽ giúp các bạn nhớ kiến thức lâu hơn, đồng thời tăng khả năng tự học", bà nói.

Để tăng cơ hội cho sinh viên cọ xát thực tế, các trường cũng kết hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp.

"Để biết sinh viên của mình ở mức nào, chương trình có phù hợp với thị trường không, thì doanh nghiệp có thể đưa ra đánh giá chính xác, khách quan nhất", ông Hoàng nói.

Tham dự hội thảo, Viết Duy và Đức Minh, sinh viên năm thứ ba, chương trình Kinh doanh số, trường Đại học Ngoại thương, cho biết không cảm thấy nặng với chương trình học vì cả hai đều quan tâm tới công nghệ và kinh tế. Tuy nhiên, mỗi người tùy theo sự quan tâm mà sẽ có những nhu cầu riêng.

Với Duy, em mong được định hướng để có cái nhìn tổng quan. Duy lấy ví dụ ngoài 10 môn bắt buộc, thầy cô có thể cung cấp thêm tài liệu, công cụ, giới thiệu môn thứ 11, 12 để sinh viên nào cảm thấy hứng thú, cần thiết sẽ tự tìm hiểu.

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020