Giáo viên Trường tiểu học Tân Quới 2 (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) tự mua tivi để dạy học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Câu chuyện này khơi lên ý kiến trái chiều từ bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng đây là việc làm đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sao trường lại để giáo viên phải tự đầu tư trang thiết bị dạy học?
Bạn đọc Nguyễn Cao - một giáo viên - gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ Online, chia sẻ xung quanh vụ việc.
Việc đáng quý
Chuyện giáo viên làm công tác thiện nguyện, đóng góp các loại quỹ do địa phương, nhà trường phát động hoặc chung tay chăm lo cho học sinh nghèo gần như trường nào cũng có.
Nhưng chuyện giáo viên tự bỏ tiền túi mua 18 chiếc tivi để dạy học có lẽ chỉ có ở Trường tiểu học Tân Quới 2 (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), hay còn có ở nơi nào khác?
Nghe thầy hiệu trưởng nhà trường nói mà chúng tôi cứ ngỡ những lớp học này là lớp học của riêng các thầy cô giáo, chứ không phải ở một trường công lập.
Thực tế cho thấy Trường tiểu học Tân Quới 2 (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nói riêng và các trường học thuộc tỉnh Đồng Tháp hay các trường của các tỉnh lân cận đều thuộc khu vực đồng bằng chứ không phải vùng sâu, vùng xa.
Điều kiện kinh tế của huyện Thanh Bình nói riêng và tỉnh Đồng Tháp đâu đến nỗi khó khăn, không mua được 18 chiếc tivi lắp cho các lớp học để đến thời điểm này, trường phải "phát động tất cả cán bộ quản lý và thầy cô đồng sức, đồng lòng" mua tivi.
Hằng năm, ngân sách đều chi cho nhà trường, trong đó có mục mua sắm thường xuyên rất cụ thể, hoặc nếu kinh phí nhà trường không đủ để mua sắm trang thiết bị, tại sao nhà trường không đề nghị cấp trên cấp? Hay đã đề nghị mà không được cấp? Hay ngại đề nghị vì phải trải qua những thủ tục rườm rà nên làm luôn cho tiện?
Trong các văn bản của ngành giáo dục, đặc biệt là quyết định số 50/2017 ngày 31-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc thiết bị… cũng có đề cập đến chuyện này.
Cần có sự phối hợp, quan tâm nhiều hơn
Theo tìm hiểu, tại một số trường công lập khác, việc trang bị tivi phục vụ dạy học được cấp trên cấp về, hoặc trường trích từ kinh phí hoạt động trong năm để mua.
Thậm chí nếu khó khăn quá, ban giám hiệu có thể kêu gọi xã hội hóa hoặc vận động sự ủng hộ của phụ huynh.
Riêng giáo viên, chỉ cần mua chiếc laptop và mang theo hằng ngày rồi kết nối để giảng dạy là đủ.
Vì vậy khi đọc thông tin giáo viên Trường tiểu học Tân Quới 2 tự bỏ tiền mua 18 chiếc tivi phục vụ giảng dạy, bản thân người viết bài cảm thấy thương cho thầy cô nhiều hơn.
Càng thấy thương hơn khi biết các thầy cô giáo ở đây đã tự trích những đồng tiền lương của mình (hoặc làm thêm từ việc khác để có tiền) mua hoặc hùn tiền hỗ trợ nhau mua tivi phục vụ việc giảng dạy hằng ngày.
Tấm lòng của thầy cô Trường tiểu học Tân Quới 2 (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thật cao quý, không phải trường nào cũng làm được như thế!
Buồn nhiều hơn vui
Thực tế chuyện nhà trường được trang bị hoặc kêu gọi các phụ huynh tài trợ tivi cho các lớp học đã diễn ra gần 20 năm nay. Giáo viên phần lớn đã quá quen thuộc khi đi dạy mang theo laptop, vào lớp kết nối với tivi để dạy học.
Vậy mà đến năm học 2024-2025, nhiều học sinh Trường tiểu học Tân Quới 2 mới có tivi nhờ giáo viên tự bỏ tiền túi mua phục vụ việc dạy học.
Cùng nghề giáo, đọc thông tin này khiến tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui.