Các nữ sinh với áo dài trắng thướt tha - Ảnh: NAM TRẦN
Đồng phục học sinh chỉ thu hẹp với các trang phục đơn giản như áo sơ mi, áo pull quần hoặc váy đồng màu.
Mới đây, ở tọa đàm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa trên nền tảng số do Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM tổ chức, đại diện Hội Di sản văn hóa TP.HCM nêu ý kiến về dự án đưa áo dài trở lại học đường để các thế hệ người Việt trẻ gần gũi hơn với trang phục truyền thống này.
Và trong trang phục áo dài, học sinh có thể có ý thức hơn trong ứng xử, góp phần giảm việc học sinh nghịch phá, bạo hành.
Trước hết phải khẳng định các hoạt động, việc làm nhằm tôn vinh áo dài Việt Nam đều nên ủng hộ vì nó không chỉ là trang phục truyền thống mà còn có tính biểu trưng cao, mang đậm bản sắc dân tộc.
Ở khía cạnh nào đó, chiếc áo dài và cả thói quen sử dụng áo dài vào các dịp trọng đại, lễ tết có tác động tích cực đến ý thức của người trẻ trong việc tôn trọng giá trị truyền thống.
Tuy nhiên việc tôn vinh, quảng bá chiếc áo dài cần tính đến sự phù hợp, tính khả thi và cả những tác động tiêu cực có thể nảy sinh. Cụ thể ở đề xuất đưa áo dài quay lại nhà trường như đồng phục học sinh là vấn đề khó thực hiện.
Đặc thù hoạt động giáo dục trong nhà trường chỉ phù hợp với trang phục gọn, nhẹ, thoải mái, dễ dàng cho học sinh khi di chuyển, học tập, hoạt động.
Chính vì thực tế này mà nhiều trường trước đây yêu cầu bắt buộc nữ sinh mặc áo dài thường ngày đã phải điều chỉnh.
Hiện nay một số trường chỉ yêu cầu học sinh nữ mặc áo dài vào ngày đầu tuần có tiết chào cờ và trong một số sự kiện của trường có tính trang nghiêm.
Việc quy định bắt buộc đồng phục áo dài cũng có thể gây khó khăn cho những học sinh có điều kiện sống không dư dả vì chi phí cho bộ áo dài lớn hơn bộ đồng phục học sinh thông thường.
Những học sinh ở địa bàn nông thôn, miền núi sẽ khó khăn khi mặc áo dài đến trường. So với các loại đồng phục khác, chiếc áo dài cũng khó có thể tái sử dụng với người khác hơn.
Còn một điều nữa quan trọng hơn: việc tôn vinh, quảng bá một giá trị truyền thống khi thực hiện bằng một quy định mang tính cưỡng ép sẽ ít mang lại hiệu quả hơn là cách truyền thông chủ động.
Trên thực tế ta vẫn bắt gặp cảnh học sinh mặc áo dài chở nhau 3-4 người trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm. Để tiện lợi, một số nữ sinh buộc hai tà áo dài hoặc dắt vào quần. Vẫn có những học sinh mặc áo dài trốn học hay có hành vi thiếu thuần phong mỹ tục.
Thế nên "áo dài" không hẳn quy định được thái độ ứng xử. Muốn thay đổi hành vi của người trẻ phải thay đổi nhận thức và để họ tự ngấm những giá trị mình nên gìn giữ, thấy yêu, thấy tự hào.
Thay vì đưa áo dài quay lại nhà trường như một đồng phục bắt buộc thì nên tăng cường hơn các hoạt động để người trẻ hiểu về ý nghĩa của trang phục truyền thống, biết sử dụng nó đúng lúc, đúng cách, phù hợp với từng đối tượng, tình huống, bối cảnh.
Và chỉ nên quy định bắt buộc về trang phục trong các sự kiện lớn, các cuộc thi, trình diễn của học sinh, sinh viên.