Chuyên mục  


Liên minh các lực lượng chống chính phủ Syria ngày 8/12 chiếm thủ đô Damascus, đánh dấu cú sụp đổ chóng vánh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền. Nga cho biết Tổng thống Assad đã từ chức và đến nước này sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Diễn biến đột ngột này khiến các cường quốc trong khu vực phải vội vã đánh giá hậu quả và những tác động lớn hơn của nó. Giới chuyên gia nhận định thay đổi ở Syria chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc tới Trung Đông cũng như cán cân quyền lực khu vực. Nó phần lớn phụ thuộc vào việc quá trình chuyển đổi sang chính quyền mới do phiến quân lãnh đạo sẽ diễn ra như thế nào.

"Chúng ta đã thấy một sự thay đổi lớn lao trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ, bên luôn muốn lật đổ chính quyền Assad, đã trở nên mạnh hơn. Nga yếu hơn và Iran cũng vậy", Badr Jamous, chính trị gia đối lập có thời gian dài đấu tranh chống chính quyền Assad, nói. "Nhưng chính người Syria giờ đây sẽ đóng vai trò lớn hơn. Tất cả sẽ phải lắng nghe tiếng nói và quyết định của chúng tôi".

Phiến quân ăn mừng tại thủ đô Damascus, Syria, sau khi kiểm soát thành phố ngày 8/12. Ảnh: AP

Theo giới quan sát, sau chính biến ở Syria, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ được mở rộng. Khi chính quyền Assad sụp đổ, Ankara rõ ràng sẽ có nhiều quyền lực hơn đối với người hàng xóm phía nam và toàn bộ khu vực Levant, ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi.

Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai ủng hộ lực lượng dân quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA), bên những tuần gần đây chủ yếu tập trung vào các trận chiến với người Kurd ở Syria. Ankara còn ngầm ủng hộ Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm dẫn đầu nỗ lực lật đổ chính quyền Assad.

"Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo rằng sau sự kiện này, mọi thứ sẽ ổn định hơn, người tị nạn được trở về và một Syria mới ra đời, thay vì một cuộc nội chiến khác", Charles Lister, giám đốc chương trình Syria tại Viện Trung Đông, trụ sở ở Washington, nhận xét.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, như hầu hết các quốc gia khác, không khỏi sửng sốt trước thắng lợi bất ngờ của phe đối lập Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan phát biểu tại Doha hôm 8/12 rằng bảo vệ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria là mục tiêu chính Ankara hướng tới, bên cạnh cuộc chiến chống lại những thế lực đối địch ở các khu vực do người Kurd kiểm soát tại Syria.

"Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, sự sụp đổ của chính quyền Syria vẫn tạo ra rủi ro", Sinan Ulgen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và giám đốc nhóm nghiên cứu Edam tại Istanbul, cho hay. "Bối cảnh chính trị chia rẽ ở Syria có thể thúc đẩy một nhà nước của người Kurd xuất hiện, với hậu thuẫn có thể từ Mỹ hoặc Israel".

Cục diện Syria ngày 27/11 và 8/12. Đồ họa: Al Jazeera

Người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông, sống trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia. Sau Thế chiến I cùng sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, nhiều người Kurd đã nỗ lực đấu tranh cho một nhà nước Kurd độc lập song chưa thể thành hiện thực.

Mối quan hệ giữa Ankara và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ coi các lực lượng người Kurd ở biên giới phía nam nước này là mối đe dọa và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhiều năm qua đã liên tục thông báo về các kế hoạch can thiệp quân sự vào vùng đất phía bắc Syria.

Không giống như SNA, HTS phần lớn kiềm chế giao tranh với người Kurd trong những tuần gần đây. Nhóm đã cho phép lực lượng dân quân người Kurd di tản an toàn khỏi một số khu vực của Aleppo và đề cập tới việc bảo vệ tính đa dạng về sắc tộc - tôn giáo của Syria.

Các quốc gia ở Vịnh Ba Tư như Arab Saudi và Qatar - những nước từng tài trợ cho phe đối lập Syria, cũng đang tìm cách đảm bảo rằng chính biến ở Syria sẽ không gây ra làn sóng bất ổn mới chống lại giới lãnh đạo ở khu vực hay kích động các phong trào cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy, giống như sau Mùa xuân Arab năm 2011.

"Có rất nhiều bất ổn trong khu vực. Tin tốt chuyển thành tin xấu rất nhanh", Majed al-Ansari, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Qatar, nói. "Chúng tôi không muốn những gì đã xảy ra ở các quốc gia khác sau Mùa xuân Arab tái hiện ở Syria. Chúng tôi rất muốn thấy cuộc chuyển đổi sang một nhà nước bền vững vì người dân".

Một tòa án quân sự ở thủ đô Damascus, Syria, bị đốt cháy khi phiến quân tiến vào thành phố hôm 8/12. Ảnh: AP

Israel, nước đã di chuyển quân đội sâu hơn vào Syria dọc theo Cao nguyên Golan hồi cuối tuần, có thể vui mừng khi "trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo, đối thủ đáng gờm nhất của họ, bị lung lay.

Chính thành công trước đó của Israel trong việc làm suy yếu lực lượng Hezbollah, vốn từng cung cấp cho Tổng thống Assad bộ binh thiện chiến nhất, đã tạo bàn đạp để phe đối lập đánh bại quân đội chính quyền.

Tuy nhiên, giới chức Israel cũng lo ngại về nguy cơ một nhà nước Hồi giáo dòng Sunni do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trỗi dậy tại biên giới của mình. Thế lực này có thể tìm cách giành lại Cao nguyên Golan mà Israel đã kiểm soát từ năm 1967 hoặc liên minh với các tay súng Hamas.

Điều khiến Tel Aviv lo lắng là việc thủ lĩnh HTS Ahmed Hussein al-Shara xuất thân từ cộng đồng những người Syria đã thoát khỏi bàn tay kiểm soát của Israel tại Golan. Al-Shara từng nói rằng lần đầu tiên ông theo đuổi chính trị Hồi giáo là trong cuộc nổi dậy lần hai của người Palestine hồi năm 2000.

Cao nguyên Golan. Đồ họa: AFP

Iraq, nơi có đa số người Hồi giáo dòng Shitte, lo ngại sự kiện ở Syria có thể gây ra một cuộc nổi loạn của người Sunni ở bên trong nước này. Al-Shara vốn lần đầu tiên cầm súng với tư cách một phiến quân Hồi giáo Sunni ở Iraq vào năm 2003.

Sunni và Shiite là hai dòng của Hồi giáo, có nhiều quan điểm khác nhau và đã xảy ra những cuộc xung đột giữa những lực lượng theo hai dòng này. Ngoài Iraq, Iran cũng là quốc gia có đa số dân theo dòng Shiite.

Trong một thông điệp video gửi đến Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani tuần trước, al-Shara đã thúc giục các lực lượng dân quân Shiite của Iraq tránh xa Syria và không cố gắng giải cứu Tổng thống Assad.

Seyed Emamian, đồng sáng lập viện nghiên cứu Chính sách và Quản trị Nhà nước ở Tehran, nhận định ngăn chặn xung đột Syria lan sang Iraq một lần nữa có thể trở thành ưu tiên của Iran, bên vốn hậu thuẫn chính quyền Assad.

"Đối với Iran, điều rất quan trọng không chỉ là hỗ trợ các đồng minh trong trục kháng chiến, mà còn là an ninh của Iraq, bởi nếu có điều gì xảy ra bên trong Iraq, biên giới Iran sẽ trở nên rất dễ bị tổn thương và đây có thể là vấn đề an ninh quốc gia", ông nói.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad đã cắt đứt hành lang đất liền của Iran tới Lebanon, vốn được sử dụng để chuyển vũ khí cho nhóm Hezbollah. Nhưng giới quan sát cũng lưu ý chính biến không đồng nghĩa Iran mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Syria. Lực lượng Taliban, phong trào Hồi giáo Sunni ở Afghanistan, từng lục soát phái bộ ngoại giao Iran ở Mazar-e-Sharif và giết một số nhà ngoại giao vào năm 1998. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, Tehran đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác tốt với Taliban, đặc biệt là sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul vào năm 2021.

"Những gì xảy ra ở Syria chắc chắn là một bước lùi tạm thời đối với Iran, nhưng điều quan trọng cần nhớ là Iran là nước biết cách nắm bắt cơ hội và quen thuộc việc hoạt động trong môi trường bất ổn", Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận xét. "Iran biết cách ứng biến trong một cuộc chơi dài hạn".

Vị trí các nước trong khu vực Trung Đông. Đồ họa: CNN

Mỹ hiện duy trì quân đội tại vùng đất của người Kurd ở đông bắc Syria và một khu vực sa mạc trên biên giới Jordan. Họ đang đứng ngoài cuộc khi chính quyền Assad sụp đổ. Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ lập trường đó, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 7/12 rằng Syria "không phải cuộc chiến của chúng ta" và Mỹ "không nên liên quan gì đến nó".

Trên các trang mạng xã hội Nga, việc chính quyền Assad sụp đổ được coi là một thảm họa địa chính trị. Nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Alexander Dugin mô tả đây là một "sự kiện bi thảm".

Nga đã triển khai quân tới Syria vào năm 2015, góp phần giúp chính quyền Assad đứng vững trước các thế lực chống đối trong cuộc nội chiến nổ ra từ năm 2011.

"Những gì vừa xảy ra là một đòn giáng mạnh vào ảnh hưởng của Nga với khu vực", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga và Á - Âu, bình luận.

Các căn cứ trên bờ biển Địa Trung Hải, gồm cơ sở hải quân ở Tartus, được Nga thuê trong 49 năm từ năm 2017, và sân bay tại Khmeimim, có vai trò quan trọng đối với khả năng răn đe của Moskva ở Trung Đông và châu Phi, nơi họ đang tham gia vào các cuộc xung đột tại Libya, Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Mali hay Niger.

Một số nhà ngoại giao tham gia vào các cuộc đàm phán về Syria giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arab hàng đầu được tổ chức tại Doha, Qatar, hôm 7/12, cho biết Nga dường như đã nhận được cam kết rằng họ có thể duy trì các căn cứ này như một phần của quá trình chuyển đổi quyền lực tại Syria.

Chưa rõ những cam kết đó có được phe đối lập Syria tôn trọng hay không và ở mức độ nào nhưng cần lưu ý rằng chính quyền Syria tương lai nhiều khả năng vẫn muốn hợp tác quân sự với Moskva vì hầu hết vũ khí mà họ tịch thu được từ quân đội chính quyền Assad đều có nguồn gốc từ Nga hoặc Liên Xô.

Hiện tại, phe đối lập Syria đang đối xử với Nga theo cách khác so với Iran. Một tuyên bố do phe đối lập đưa ra sau khi kiểm soát Aleppo khẳng định người dân Syria không có bất kỳ mâu thuẫn nào với Nga. Trong khi các tay súng lục tung Đại sứ quán Iran ở Damascus, cơ sở của Nga không bị ảnh hưởng.

"Quân đội Syria được người Nga huấn luyện, phần mềm quản lý quân đội cũng là của Nga", Ammar Kahf, giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu Omran có liên hệ với phe đối lập Syria, cho biết. "Syria có thể trở thành một quốc gia trung lập có quan hệ tốt với cả Mỹ và Nga, nhưng quân đội Syria chủ yếu vẫn sẽ hướng về Nga".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020