Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher A. Wray ngày 11/12 thông báo sẽ từ chức khi chính quyền Tổng thống Joe Biden hết nhiệm kỳ trong một tháng tới, dù ông mới ở năm thứ 7 của nhiệm kỳ 10 năm.
Quyết định từ chức sớm của ông Wray được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tháng trước tuyên bố sẽ đề cử đồng minh trung thành Kash Patel làm giám đốc FBI, như gửi thông điệp đến Wray rằng ông nên chủ động từ chức hoặc bị sa thải.
"Tôi cho rằng đây là cách tốt nhất để tránh đẩy FBI lún sâu hơn vào cuộc chiến, đồng thời củng cố các giá trị và nguyên tắc quan trọng đối với cách chúng ta thực hiện công việc", ông Wray phát biểu trước các nhân viên.
Mối quan hệ giữa ông Trump và Wray từng rất tốt đẹp. Bảy năm trước, giám đốc FBI khi đó là James Comey bị sa thải vì cuộc điều tra vai trò của ông Trump trong cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Trump sau đó đề cử Wray làm người thay thế lãnh đạo FBI, cơ quan thực phi pháp luật hàng đầu đất nước với 35.000 nhân viên. Ông Trump khi đó mô tả Wray là "hình mẫu của sự chính trực" và là "người đàn ông với những phẩm chất hoàn hảo" cho vai trò giám đốc FBI.
"Wray sẽ một lần nữa phụng sự đất nước với tư cách người bảo vệ mạnh mẽ của luật pháp và mô hình liêm chính khi Thượng viện thông qua quyết định bổ nhiệm ông làm lãnh đạo FBI", ông Trump viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Giám đốc FBI Christopher Wray during the FBI tại sự kiện ở Quantico, bang Virginia hồi tháng 12/2017. Ảnh: AP
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người dần lao dốc sau đó. Ngay trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ tại Thượng viện năm 2017, ông Wray tuyên bố không cam kết trung thành với ông Trump.
"Nếu được vinh dự trở thành giám đốc, tôi sẽ không bao giờ cho phép công việc của FBI bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì ngoài sự thật, luật pháp và nỗ lực theo đuổi công lý", ông nói, nhấn mạnh rằng "tôi chỉ trung thành với hiến pháp và pháp quyền".
Wray từng là lãnh đạo Ban Hình sự thuộc Bộ Tư pháp Mỹ giai đoạn 2003 - 2005, dưới thời tổng thống George W. Bush. Vào thời điểm được đề cử vào ghế giám đốc FBI, ông đang là luật sư riêng cho Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, một đồng minh thân cận của ông Trump.
Sau khi Wray được Thượng viện phê chuẩn, ông Trump nhanh chóng phàn nàn về lựa chọn nhân sự này, bày tỏ bất bình khi tân Giám đốc FBI ủng hộ cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử cùng một số vấn đề khác. Ông Trump thậm chí cho rằng chọn Wray điều hành FBI là một trong những quyết định tồi tệ nhất về nhân sự của ông với tư cách tổng thống.
Bốn tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Wray hồi tháng 12/2017 công khai bảo vệ FBI trước những lời chỉ trích của ông Trump về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử năm 2016.
Ông Trump chỉ trích danh tiếng của FBI là "tồi tệ nhất trong lịch sử" và hoài nghi về sự công minh của cơ quan này. Giám đốc Wray nói với Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng "FBI mà tôi thấy là hàng chục nghìn nhân viên luôn làm việc một cách chính trực".
Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump tại Hạ viện đã cố gắng giải mật bản ghi nhớ mà họ tin rằng sẽ chứng minh cuộc điều tra của Bộ Tư pháp là chiến dịch bôi nhọ có động cơ chính trị. Bản ghi nhớ này cáo buộc FBI và Bộ Tư pháp lạm dụng quyền lực để phát lệnh giám sát Carter Page, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump.
FBI đã phản đối nỗ lực công bố báo cáo mật này. Ông Wray lúc đó từng cân nhắc từ chức, theo một nguồn thạo tin. Tuy nhiên, ông sau đó quyết định ở lại để đưa cơ quan vượt qua sóng gió.
Hiềm khích giữa ông Trump và Giám đốc FBI trở nên tồi tệ hơn vào năm 2019, ngay cả sau khi công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller công bố báo cáo rằng không đủ bằng chứng cho cáo buộc đặc vụ Nga can thiệp cuộc bầu cử giúp ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử.
Một đánh giá của tổng thanh tra Bộ Tư pháp càng làm tăng thêm những hoài nghi từ ông Trump. Đánh giá chỉ ra những thất bại nghiêm trọng trong cuộc điều tra của FBI, nói rằng các đơn xin lệnh giám sát Page có nhiều sai sót.
"Tôi không biết giám đốc FBI Wray đã đọc báo cáo nào, nhưng chắc chắn đó không phải là báo cáo được đưa cho tôi. Với kiểu làm việc đó, ông ấy sẽ không bao giờ có thể khắc phục FBI, cơ quan vốn không hiệu quả dù một số nhân viên tuyệt vời nhất làm việc ở đó", ông Trump từng viết trên Twitter, hiện là X.
Tổng thống đắc cử Trump cũng nhiều lần phàn nàn về cách xử lý của FBI với các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ năm 2020 sau vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết. Ông Trump yêu cầu FBI tích cực truy tìm và bắt những người biểu tình mà ông cho là thuộc phong trào cánh tả Antifa.
"Tôi xem họ thuộc nhóm người theo chủ nghĩa vô chính phủ được tài trợ và bảo vệ bởi FBI không thể hoặc không sẵn sàng điều tra nguồn tài trợ của họ", ông từng viết trên mạng xã hội.
Khi điều trần trước quốc hội, ông Wray đưa ra quan điểm khác về Antifa, mô tả nó giống như hệ tư tưởng hơn là tổ chức. Ngay sau phát biểu của ông Wray, ông Trump nói "tôi không thích câu trả lời của ông ấy và cũng không chắc ông ấy thích chúng. Tôi chắc rồi ông ấy có thể sẽ đồng ý với tôi rằng Antifa rất tồi tệ".
Cảnh sát Palm Beach và đặc vụ FBI trước dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, bang Florida, hồi tháng 8/2022. Ảnh: AFP
Năm 2020, trong quá trình tái tranh cử, ông Trump đã than phiền rằng Wray không "nỗ lực hết sức" để giúp đỡ chiến dịch của ông, thậm chí đã xem xét việc sa thải Giám đốc FBI. Tuy nhiên, ông đã không làm vậy trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên và Wray tiếp tục phục vụ với tư cách lãnh đạo FBI trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Biden.
Bất đồng giữa hai người lên đến đỉnh điểm khi FBI xin lệnh khám xét tìm tài liệu mật tại dinh thự của ông Trump ở Mar-a-Lago, bang Florida năm 2022. Cuộc khám xét do FBI tiến hành đã dẫn tới hàng chục cáo buộc hình sự nhắm vào ông Trump vì xử lý sai tài liệu mật.
Ông Trump đến giờ vẫn chỉ trích Wray vì hành động này. "Tôi không thể nói rằng mình vui mừng khi ông ấy xâm nhập nhà tôi. Tôi rất không hài lòng với những gì ông ấy làm", ông nói trong chương trình Meet the Press của NBC phát sóng cuối tuần qua.
Giám đốc FBI cũng đã khiến ông Trump và những người ủng hộ tức giận với bình luận sau vụ ứng viên đảng Cộng hòa bị ám sát hụt khi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hồi tháng 7. Trong phiên điều trần trước quốc hội, Wray không loại trừ khả năng một mảnh văng của viên đạn đã trúng vào vành tai ông Trump, chứ không phải viên đạn bay sượt qua tai cựu tổng thống.
Tuyên bố này khiến Trump tức giận, bởi ông luôn nói rằng viên đạn đã bắn trúng vành tai và khiến ông "cách cái chết chỉ vài cm". "Tôi rất tôn trọng FBI, nhưng sự tôn trọng đó đã giảm đi trong nhiều năm qua", ông Trump nói.
Dù các quan chức FBI sau đó xác nhận viên đạn đã sượt qua tai ông Trump, điều đó không đủ xoa dịu cơn giận của ông. Trong cuộc phỏng vấn với NBC, ông Trump bày tỏ nỗi thất vọng lâu nay đối với Wray.
"Tôi chắc chắn không thể hài lòng với ông ấy. Hãy nhìn những gì đã xảy ra. Sau khi tôi bị bắn vào tai, ông ấy nói đó có lẽ là mảnh đạn. Mảnh đạn từ đâu ra? Nó có đến từ thiên đường không? Tôi không nghĩ vậy", ông Trump nói.
Ông Trump ngày 11/12 tỏ ra vui mừng trước thông báo từ chức của Giám đốc FBI, đăng trên mạng xã hội rằng đây là "ngày tuyệt vời cho nước Mỹ".
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, thành viên đảng Cộng hòa ở Ủy ban Tư pháp Thượng viện và là người chỉ trích Wray lâu nay, nói rằng quyết định từ chức của Wray là "cơ hội mở ra kỷ nguyên mới cho sự minh bạch và trách nhiệm giải trình tại FBI".
Thùy Lâm (Theo Washington Post, USA Today, AFP)