Sáng 8/3/1957 khi tuyết cứng còn phủ dày mặt đất, vợ chồng Tony và Mary lo lắng lái xe trên con đường nông thôn ở Mahwah Township, New Jersey tìm cô con gái 15 tuổi. Cô sang nhà bạn học tối hôm qua chưa về.
Đột nhiên, họ phát hiện một chiếc giày nữ quen thuộc bên lề đường và chiếc khăn trùm đầu đã cứng đờ vì máu. Vài phút sau, cảnh sát Mahwah đến cùng tìm kiếm. Cuối con đường cụt dẫn đến một bãi cát, họ nhìn thấy những tảng đá dính máu. Con gái họ nằm trên bờ hố cát, khuôn mặt dập nát, quần áo xộc xệch.
Giám định y khoa ghi nhận rằng hộp sọ của cô bị đập bằng một tảng đá lớn nhưng không có dấu hiệu nào khác của việc tấn công tình dục.
Chỉ một ngày sau, thợ máy Edgar Smith bị xác định là nghi phạm.
Đêm xảy ra vụ án, anh ta mượn bạn mình chiếc ôtô mui trần Mercury màu xanh nhạt đi mua xăng, nhưng khi nhận lại xe, người bạn này thấy một đốm nhỏ có vẻ như màu đỏ thẫm trên ghế trước. Người bạn cũng nhận ra Edgar đã thay một bộ quần áo khác, với lý do bị nôn ra làm bẩn quần áo.
Tin tức về vụ giết người lan truyền nhanh chóng. Cùng ngày, cảnh sát phát thông báo truy tìm một chiếc xe khả nghi "mui trần hiệu Mecury màu xanh nhạt". Người bạn của Edgar đem chiếc xe và sự hoài nghi này tới cảnh sát. Nửa đêm hôm đó, Edgar bị bắt.
Edgar Smith khi bị bắt. Ảnh: Find a grave
Edgar Smith, 23 tuổi, chàng trai trẻ đẹp trai, mảnh khảnh với mái tóc vàng sẫm và đôi mắt xanh nhạt, ngồi đối diện cảnh sát, nói mượn xe của bạn đi mua xăng rồi về ngay. Song có một lỗ hổng, Edgar lấy xe bạn đi lúc 20h20, và quãng đường từ nhà đến trạm xăng chỉ khoảng 2 km, tại sao hơn 9h anh mới về nhà.
Edgar giải thích đang đi đường thì bị đau bụng nên dừng lại để nôn, nhưng khi được hỏi về bộ quần áo, anh ta nói quá bẩn nên đã vứt đi. Các thám tử đưa Edgar đi để anh ta có thể chỉ cho họ nơi anh ta nôn và nơi vứt quần nhưng không tìm thấy gì. Còn đôi giày của anh ta, sau đó bị phát hiện trong thùng rác trên phố, dính đầy máu.
Chiếc cũng được tìm thấy trong rừng cách đó không xa, không bị dính chất nôn, nhưng cứng lại vì máu. Edgar không thừa nhận là quần của mình. Vợ anh ta khi này được gọi đến, ở một căn phòng khác, chỉ để trả lời câu hỏi rất đơn giản. "Đúng là quần của anh ấy", khi nói ra điều này, cô không biết thông tin nhận dạng của mình có tính buộc tội lớn thế nào.
Trưa hôm đó, lời khai của anh ta đã được ghi âm lại. Edgar thừa nhận đã cho cô gái đi nhờ về nhà, họ trò chuyện về các rắc rối của cô ở trường rồi sau đó cô đột nhiên đánh anh. Hai người xô xát rồi mọi thứ "trở nên mơ hồ".
Hai tháng sau án mạng, Edgar xét xử về tội Giết người cấp độ một. Lý lịch tư pháp cho thấy, Edgar khi là trẻ vị thành niên từng nhận án 5 năm tù treo vì cố gắng tấn công tình dục một bé gái 9 tuổi.
Trong khi chờ xét xử, Edgar đã trải qua ba cuộc kiểm tra tâm thần. Anh ta nói "hoàn toàn mất trí nhớ" về mọi thứ đã xảy ra. Khi điều đó không thuyết phục được bất kỳ ai, anh ta đã thay đổi chiến thuật cho phiên tòa.
Edgar thú nhận đã đón thiếu nữ và chở đi. Máu trên quần anh ta là của cô, nhưng thực ra kẻ giết người thực sự là bạn anh ta, tên Hommell.
Edgar nói cô gái thực ra là bạn gái của Hommell. Đêm đó, Edgar cho cô gái đi nhờ nhưng sau đó thấy cô không đàng hoàng nên bắt xuống xe ngay. Khi này đầu cô đang bị thương và van xin "đừng để Hommell làm thế một lần nữa", nhưng anh ta đã bỏ ngoài tai.
Khi lái xe đi, qua gương hậu, Edgar thấy xe của Hommell tiến lại gần và cô gái nhảy lên. Đêm đó khi gặp nhau trong phố, Hommell đã đe dọa bắt anh ta không được hé răng nửa lời.
Edgar (trái) được dẫn giải tới tòa tháng 5/1957. Ảnh: NYT
Nhưng sau đó, trước các câu hỏi về việc tại sau giày và quần áo dính máu, Edgar đều trả lời loanh quanh với vẻ ráo hoảnh. Bồi thẩm đoàn nhận ra rằng chàng trai đẹp mã này đang không thật.
Sai lầm tệ hại nhất của Edgar dù câu chuyện trơn tru nhưng rất phi logic và "thiếu tình người": Edgar đã kết hôn, lại đưa cô gái 15 tuổi, bạn gái của bạn thân, đến một bãi cát trong đêm chỉ để nói chuyện, và bỏ cô ấy ở đó trong bóng tối và giá lạnh ngay cả khi đã cầu xin anh ta. Mặc cô gái khóc và chảy máu không ngừng từ một vết thương trên đầu, anh ta chỉ thấy không nên can thiệp chuyện yêu đương của người khác.
Ngoài ra, xe và quần áo của Hommell hoàn toàn sạch sẽ, anh cũng không quen biết gì nạn nhân, chưa nói đến yêu đương.
Công tố viên cáo buộc Edgar ép nạn nhân làm điều cô không chấp thuận, do đó đã bực tức gây án dã man. Hội đồng xét xử chỉ cân nhắc trong hai giờ và tuyên bố Edgar có tội, phạt tử hình.
Chờ chết
Vào thời điểm đó, các tử tù của New Jersey bị giam giữ trong một tòa nhà riêng biệt, ăn, ngủ và chờ đợi trong phòng giam của họ, không tập thể dục ngoài sân, không lao động.
Để giết thời gian, Edgar chơi ghép hình, tính toán số liệu thống kê, vẽ tranh, học các khóa học qua thư, soạn thảo loạt đơn kêu oan.
Edgar Smith đã có một vận may vào năm 1962 khi một nhà báo vô tình biết được tử tù này là độc giả trung thành của báo, bắt đầu trao đổi thư. Nhà báo này cho rằng Edgar bị oan, nhiều lần viết bài bênh vực.
Dù thấy rằng phiên bản câu chuyện của tử tù này thiếu sự thật, nhà báo thừa nhận cách kể chuyện của anh ta rất cuốn hút, "lúc thì chua ngoa, thận trọng, tò mò, trơ tráo, thích thú, bí ẩn, xúc động".
Nhà báo này đánh giá rất cao trí tuệ của anh ta đến nỗi đã đề nghị mua bản quyền văn học các lá thư của Edgar để xuất bản. Song anh ta từ chối vì đang tự viết sách.
Vụ án của Edgar được cả nước chú ý khi nhà báo viết một bài dài cho tạp chí Esquire, được xuất bản vào tháng 11/1965, nêu chi tiết những nghi ngờ.
Về phần Hommell, dù đã được tòa minh oan, nhưng lại bị một nhà báo nổi tiếng khơi lại nghi ngờ. Những lời ám chỉ đó đeo bám Hommell trong nhiều năm. Anh rời New Jersey sau phiên tòa.
Nhưng năm 1968, Hommell lại bị đưa ra xét xử trên phương tiện truyền thông khi cuốn sách Brief Against Death của Edgar được xuất bản từ trong tù.
Cuốn sách được đánh giá tốt. Edgar vẫn nhắc lại những lời khai năm xưa, dù bị bồi thẩm đoàn bác bỏ vì thiếu logic. Ngoài dồn nghi ngờ về Hommell, tử tù Edgar khơi thêm một nhân vật phản diện: Bố của nạn nhân.
Edgar buộc tội ông ta là kẻ biến thái, hà khắc thao túng con gái. Cuốn sách cũng ám chỉ nạn nhân có đạo đức không tốt, ăn mặc khêu gợi và "hành vi tình dục bất thường", nhưng nói sẽ không khơi sâu vấn đề vì "tôn trọng người đã mất".
Về bằng chứng mạnh nhất là chiếc quần dính máu, Edgar cho rằng bị cảnh sát làm giả bằng chứng và đánh lừa vợ, hoặc bị Hommell gài. Trong sách không hề nói đến việc trước tòa, chính anh ta đã thừa nhận chiếc quần là của mình.
Brief Against Death đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất và thuyết phục được nhiều người rằng một người đàn ông vô tội đang ngồi trên ghế tử tù của New Jersey.
Cuốn sách Edgar Smith viết trong tù với nhiều chi tiết sắp đặt, phóng tác có chủ ý, sau đó được xuất bản và được đón nhận, góp phần giúp sát nhân này thoát án tử. Ảnh: Amazon
Năm 1971, tử tù Edgar kháng cáo lần thứ 19, không kêu oan mà chuyển sang cho rằng mình đã không được xét xử công bằng, bị ép cung. Tử tù này đã có thêm lợi thế khi các tiêu chuẩn xét xử ngày càng tiến bộ.
8 năm sau bản án, Tòa tối cao ra phán quyết nổi tiếng, đảm bảo tất cả nghi phạm đều được thông báo về các quyền của họ: Bạn có quyền im lặng. Bạn có quyền có luật sư...
Edgar có thêm lợi thế là người nổi tiếng nhờ các bài báo và cuốn sách vừa xuất bản. Năm 1971, nhận thấy quá trình hỏi cung "chưa công bằng", tòa tối cao ra lệnh tiểu bang New Jersey hoặc thả anh ta hoặc xét xử lại trong vòng 60 ngày. Ở hậu trường, các luật sư của ông đang đàm phán một thỏa thuận.
Tòa đề nghị thả anh ta ngay nếu nhận tội Giết người cấp độ hai. Edgar đã thụ án 14 năm rưỡi và có thể được tại ngoại. Anh quyết định chấp nhận lời đề nghị. Không bên nào thực sự muốn trải qua một phiên tòa khác, các nhân chứng của bên công tố đã chết hoặc chuyển đi, và kết quả không thể chắc chắn.
Tại phiên xử ngày 6/12/1971, Edgar thừa nhận gây án một mình, và chiếc quần dính máu là của mình, song gây án do có khiếm khuyết tâm thần.
Ba bác sĩ tâm thần đã kiểm tra và tuyên bố bị cáo ta là một kẻ bệnh hoạn, nhưng tỉnh táo, "có thể được trả lại cộng đồng mà không gây nguy hiểm".
Edgar Smith ra tù khi 37 tuổi, xuất hiện ngay tại một chương trình truyền hình để ba hoa về vụ án của mình. Công tố viên lần đầu của vụ án tỏ ra vô cùng thất vọng. Gã giết người mà ông đã nỗ lực đưa vào án tử hình không chỉ được trả tự do mà còn được coi là biểu tượng của cuộc chiến chống lại công lý đi sai hướng.
Edgar trở thành cựu tử tù được yêu mến nhất nước Mỹ khi đó, đi giảng bài tại các đại học, kiếm bộn tiền từ hàng trăm chương trình truyền hình và phát thanh địa phương, được trả 1.000 USD cho mỗi lần lên sóng.
Nhưng danh tiếng của anh ta sớm phai nhạt. Khi bước vào tuổi 40, Edgar thất nghiệp, mắc nợ và nghiện rượu. Edgar tái hôn nhưng lêu lổng thất nghiệp.
Tội ác thứ hai
Một buổi chiều tháng 10/1976, thợ may 33 tuổi Lisa Ozbun đang đợi chồng đến đón ở bãi đậu xe của công ty. Bỗng một chiếc xe lướt đến phía sau, một người đàn ông lạ mặt túm lấy cổ cô kề dao dưới cằm, ép vào xe. Gã chính là Edgar Smith.
Edgar một tay lái xe, một tay cầm dao chống trả người phụ nữ đang tìm mọi cách thoát ra ngoài. Chiếc xe mất lái vào đoạn dốc và dừng lại. Lisa bò ra khỏi xe với con dao vẫn cắm ngang hông, trong khi Edgar rồ ga phóng đi. Nhưng một số nhân chứng khác đã nhận ra được kiểu dáng của chiếc xe và biển số xe. Vài ngày sau, Edgar bị bắt, khi mới ra tù chưa đầy 5 năm.
Tin tức về vụ án lan truyền. Những người ủng hộ Edgar cũng tức giận và kinh ngạc. Lisa sống sót, ra tòa đối diện kẻ hại mình.
Edgar bị bắt và xét xử chưa đầy 5 năm sau khi được thả tự do. Ảnh: NYP
Edgar khi này chuyển sang chiếc lược đáng kinh ngạc: Hắn nói mình bắt cóc Lisa để cưỡng hiếp, không phải để cướp. Do khi đó, ở California tội bắt cóc để cướp tài sản có khung hình phạt là án chung thân, nếu nạn nhân bị thương; còn bắt cóc nhằm tấn công tình dục có bản án chỉ khoảng 15 năm.
Để củng cố cho lời khẳng định là kẻ biến thái tình dục, anh ta đề cập đến vụ án năm xưa với thiếu nữ 15 tuổi. Edgar thừa nhận trước đó mình đã khai man, và khẳng định, tấn công cô gái với động cơ tình dục.
Song lúc này, công chúng và bồi thẩm đoàn không còn phân biệt được, lời nào của Edgar là thật lòng. Hắn nói mình thú nhận sự thật không phải vì muốn được án nhẹ trong vụ án hiện tại, mà vì "lương tâm cắn rứt".
"Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng con quỷ mà tôi đã nhìn thấy suốt 43 năm qua chính là tôi", Edgar nói.
Edgar bị kết tội Bắt cóc với ý định cướp và Cố ý giết người, án chung thân, kết hôn lần thứ ba khi ở trong tù, cũng là một "mối tình qua thư".
Vào những năm 1980 và 1990, Edgar nhiều lần kháng cáo thất bại, sức khỏe suy yếu. Năm 1989, Edgar đủ điều kiện được ân xá, nhưng viễn cảnh ông ta được trả tự do đã gây ra các cuộc biểu tình trong cộng đồng.
Ông bị từ chối ân xá vào tháng 4/2009 và bị giam giữ tại cơ sở y tế đến khi qua đời vào ngày 20/3/2017. Phải 6 tháng sau, thông tin này mới được công bố.
Hải Thư (Theo Crime Magazine, NYT, LA Times)