Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thực hiện Chỉ thị số 20 năm 2007 của Thủ tướng về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, UBND H.Tu Mơ Rông đã trả lương qua tài khoản đối với nhóm cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, lương được chi trả qua Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Nhưng điều đáng nói là tại H.Tu Mơ Rông không hề có trụ sở chi nhánh, Agribank cũng không lắp đặt trụ ATM để chủ thẻ có thể rút tiền. Muốn rút được tiền, chủ thẻ phải tới trung tâm H.Tu Mơ Rông rút “nhờ” trụ ATM của VietinBank.
Cả H.Tu Mơ Rông chỉ có một cây ATM của VietinBank |
Khổ sở trăm bề
Chị Y Hiền (giáo viên mầm non), đang sống và làm việc tại xã Ngọk Lây, cho biết chị và các đồng nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc nhận lương qua thẻ ATM của Agribank. “Từ xã Ngọk Lây ra đến trung tâm H.Tu Mơ Rông phải di chuyển trên quãng đường khoảng 30 km. Lương giáo viên mầm non chẳng được bao nhiêu nên tôi luôn phải tiêu pha dè xẻn. Mỗi lần chỉ rút vài trăm ngàn để sinh hoạt trong tuần. Thế nhưng để rút được tiền thì phải đi một quãng đường rất xa. Có nhiều hôm tôi phải đưa thẻ cho đồng nghiệp và đọc mật khẩu để họ rút tiền hộ”, chị Hiền ngao ngán.
Cùng chung nỗi khổ, anh A Thịnh, cán bộ xã Đăk Rơ Ông, cho biết từ xã Đăk Rơ Ông về đến trung tâm huyện phải đi hơn 50 km và phải vượt qua 2 con đèo. Mỗi lần có việc cần sử dụng tiền, anh Thịnh và các cán bộ phải lái xe máy ra tận huyện rút tiền, rồi trở về với quãng đường hơn 100 km.
“Chúng tôi phải đi cả trăm cây số chỉ để rút vài trăm ngàn. Cả đi lẫn về, tiền xăng xe đã mất vài chục ngàn. Vì trung tâm huyện chỉ có một cây ATM nên nhiều lúc chúng tôi ra đến nơi gặp lúc cây ATM hết tiền, đành phải xuống H.Đăk Tô cách đó hơn 30 km nữa để rút tiền. Vậy là phải đi về hơn 160 km chỉ để rút vài trăm ngàn, mất cả buổi”, anh Thịnh bức xúc.
Anh A Thịnh cho biết mỗi tháng anh nhận được khoảng 4,5 triệu đồng tiền lương. Tuy nhiên, mỗi lần anh chỉ dám rút khoảng 500.000 đồng để chi tiêu trong tuần. Trong khi đó, số tiền phải bỏ ra chỉ để đổ xăng cho mỗi chuyến đi rút tiền là khoảng 50.000 đồng, chưa tính đến việc xe hỏng hóc giữa đường. “Mỗi lần sử dụng thẻ Agribank để rút tại cây ATM VietinBank, tôi còn bị trừ thêm phí rút tiền do rút trái NH”, anh Thịnh kể khổ. Hỏi vì sao không rút một lần hết lương rồi đem về chi tiêu dần, nhiều chủ thẻ cho biết tiền lương đã thấp, rút hết một lần đi đường xa hoặc mang về nhà cất mà bị mất thì xem như cả tháng… treo nồi!
Chưa biết lúc nào… hết khổ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cáp Văn Hoàng, Chánh văn phòng UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết việc trả lương qua thẻ đã được địa phương áp dụng 3 năm nay. Tuy nhiên, do địa bàn huyện quá rộng, lại chỉ có một cây ATM nên gây ra nhiều khó khăn cho các cán bộ, giáo viên.
Nhu cầu sử dụng của người dân không lớn?Theo ông Lê Văn Huệ, Giám đốc chi nhánh Agribank H.Đăk Tô, đơn vị được giao tổ chức hoạt động kinh doanh tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô, khoảng cách địa lý giữa trung tâm 2 huyện cách nhau khá xa, khoảng 40 km. Giao thông đi lại giữa 2 huyện rất khó khăn do có nhiều đèo dốc, đặc biệt vào mùa mưa thường sạt lở. Khách hàng sử dụng thẻ ở các xã xa nhất của H.Tu Mơ Rông như: Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đăk Na… muốn giao dịch tại ATM của Agribank gần nhất phải vượt quãng đường hơn 70 km. Ông Huệ cho biết chi phí lắp đặt trụ ATM rất lớn, khoảng hơn 1 tỉ đồng, bên cạnh đó nhu cầu sử dụng của người dân không lớn (?). Ngoài ra, đơn vị còn phải thuê nhân viên bảo vệ, xử lý kỹ thuật… Do đó hiện đơn vị chưa thực hiện lắp đặt trụ ATM tại H.Tu Mơ Rông.
“Chúng tôi đã lập tờ trình đề nghị Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum xem xét phân bổ cho đơn vị 1 cây ATM mới để lắp đặt tại trung tâm hành chính H.Tu Mơ Rông”, ông Huệ nói.
Đ.N
|
“Cán bộ xã lương thì thấp, mỗi lần đi rút vài trăm ngàn nhưng phải chạy cả đoạn đường dài để rút tiền, đặc biệt có xã phải đi qua 2 con đèo hiểm trở. Tôi nghĩ rằng nên tùy tình hình thực tế tại địa phương để linh động trong việc trả lương. Không thể cứng nhắc, rập khuôn như vậy chỉ khổ cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa”, ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Vương Văn Mười, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, toàn huyện có hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên và hầu hết được thanh toán lương qua thẻ ATM. Cả huyện chỉ có một cây ATM của VietinBank nên gây ra nhiều khó khăn cho cán bộ, giáo viên. Trước thực trạng này, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Agribank đề nghị bổ sung thêm cây ATM.
“Phía Agribank cho rằng việc lắp đặt thêm cây ATM sẽ không đạt hiệu quả nên không thể đầu tư. Địa phương chỉ mong muốn lắp đặt thêm một cây ATM ở 4 xã phía tây để phục vụ người dân và cán bộ, giáo viên. Nếu không bổ sung được thì đề nghị UBND tỉnh cho địa phương thực hiện thanh toán lương bằng tiền mặt”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, “chưa thể biết chính xác đến lúc nào cán bộ, giáo viên sẽ hết khổ vì đi rút tiền lương”, bởi từ lâu huyện đã cấp đất cho Agribank để mở chi nhánh. Tuy nhiên NH này vẫn bỏ hoang khu đất, không sử dụng. Riêng việc lắp đặt trụ ATM thì cũng chỉ dừng ở mức… huyện đề nghị.
“Trong huyện không có cây ATM Agribank nhưng vẫn chọn làm thẻ ATM của NH này là do các lãnh đạo tiền nhiệm lựa chọn sử dụng. Sau đó, lãnh đạo huyện đã nhiều lần vận động, nhờ giúp đỡ nên NH VietinBank quyết định đầu tư 1 cây ATM ở trung tâm H.Tu Mơ Rông”, ông Mười lý giải thêm.
Trong khi đó, ông Đặng Quang Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, cho biết thời gian qua cử tri kiến nghị về việc phải lắp đặt trụ ATM. Sau đó, UBND tỉnh đã có đề nghị Agribank lắp đặt. Tuy nhiên, phía Agribank vẫn chưa thống nhất thời gian khi nào lắp đặt trụ ATM.