Chuyên mục  


Ngày hội Đồng hành nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ, chia sẻ những khó khăn của họ khi đối mặt với việc bếp núc đồng thời truyền cảm hứng nấu ăn thông qua thực đơn với những món ăn quen thuộc được biến tấu theo cách mới lạ, vừa ngon vừa dễ làm. Ảnh minh họa từ Internet

Ngày nay, địa vị xã hội của người phụ nữ Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, ngày càng có nhiều gương mặt nữ giới trở thành chính trị gia, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp,… hay tham gia vào những công việc trước đây chỉ có đàn ông dấn thân như phi công, kỹ sư,… Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ vẫn gắn liền với "bốn góc nhà ba góc bếp" theo quan điểm của Nho giáo. Quan niệm ấy vẫn ăn sâu trong tiềm thức, người phụ nữ hiện đại có thể làm tất cả mọi thứ nhưng việc nấu nướng vẫn là chuyện của riêng họ. Điều này dẫn đến những áp lực vô hình ảnh hưởng đến cách người phụ nữ tận hưởng cuộc sống.

Nhiều nghiên cứu, khảo sát chỉ ra rằng việc bếp núc đối với phụ nữ Việt Nam là một gáng nặng. Thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện trên 600 gia đình tại Hà Nội và TP.HCM (2017) cho thấy 88% người chồng trong độ tuổi 25-50 vẫn giữ quan niệm xưa cũ khi bếp núc là chốn dành riêng cho phụ nữ. Họ cho rằng đây là điều hiển nhiên mà người vợ phải thực hiện và hiếm khi đưa ra lời động viên, khen ngợi bữa ăn gia đình mà phần lớn là những lời nhận xét tiêu cực khi không vừa lòng.

Anh minh họa từ Internet

Cùng với đó là các tiêu chuẩn do chính bản thân họ đặt ra cho mình cho từng bữa ăn từ: hương vị, màu sắc, sự sáng tạo, thành phần dinh dưỡng, … trong điều kiện thời gian hạn hẹp do phải hoàn thành công việc trước khi trở về với gia đình.

Một cuộc khảo sát nhanh của một công ty truyền thông qua 8 cộng đồng phụ nữ trên mạng xã hội Facebook với số lượng thành viên trên 200.000 người và 270 chủ đề đối thoại từ năm 2018 đến nay, cho thấy người phụ nữ đang cảm thấy mệt mỏi, áp lực, chán nản hay thậm chí e ngại tiến vào bếp. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy 31% phụ nữ cảm thấy mọi người xung quanh mặc định đây là việc bếp núc là của người phụ nữ, 26% đang phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc liên quan đến bếp núc và 23% không nhận được sự ghi nhận xứng đáng từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng.

Bà Đinh Thị Phương Liên - Quận ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình, cho biết: "Mỗi người phụ nữ sinh ra đã có bản năng hướng về gia đình nên họ luôn muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người thân, đặc biệt là qua từng bữa ăn. Nhưng để thực hiện mong muốn này, người phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn do phải cân bằng công việc, quản lý thời gian, thỏa mãn nhu cầu của mọi người lẫn tiêu chuẩn bản thân đặt ra. Vô hình chung, những áp lực này khiến họ không còn tận hưởng thời gian làm bạn với căn bếp."

Ảnh minh họa từ Internet

Còn theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, Giám Đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đơn vị đồng hành cùng Ngày hội, chia sẻ: "Chuyện bếp núc đã và đang đặt lên vai người phụ nữ không ít gánh nặng và trách nhiệm. Gian bếp nên là nơi tạo nguồn cảm hứng để người phụ nữ mang tới những bữa ăn mới lạ thú vị cho gia đình, để tiếp thêm năng lượng cho họ được sống một cách trọn vẹn. Chúng tôi hiểu và luôn mong muốn có thể giúp người phụ nữ sáng tạo, vượt qua giới hạn bản thân, thách thức những món ăn truyền thống cũ và trải nghiệm những cách nấu khác biệt để tận hưởng trọn vẹn niềm vui, sáng tạo khi vào bếp.

Trao hoa cho đội tham gia phần thi nấu nướng tại ngày hội đồng hành. Ảnh: BTC

Bên cạnh các hoạt động tại ngày hội lần này, chúng tôi cũng đang tiếp tục thực hiện nhiều chương trình khác nhau để truyền cảm hứng cho người phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu như hoạt động tổ chức 30 gian bếp sáng tạo tại thành thị lẫn nông thôn hay 250 buổi hướng dẫn thực hiện các món ăn mới ở vùng nông thôn trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ giúp người phụ nữ Việt Nam giải phóng bản thân và chinh phục gian bếp của mình."

D.A

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020